TRIP WITH KIT
Châu Á Tân Cương Trung Quốc

Du lịch Tân Cương: Kỳ 4 _ Hồ Sayram ngọc ngà & Yining rực rỡ

Những ngày cuối của hành trình tập trung chính tại hồ Sayram và thành phố Yining. “Save the best for last”, có lẽ đôi từ đó đủ chứng minh Kịt đã dành hảo cảm như thế nào cho những điểm đến cuối cùng này!

>>> Kỳ trước: Thảo nguyên Qiaxi & Hồ ngọc Zhaosu

Ngày 7-8: Cung đường Yizhao – Yining (Six Star Street, làng dân gian Kazanqi) – Cầu Guozigou – Hồ Sayram

Cung đường Yizhao

Trong ngày thứ 7, lẽ ra theo lịch trình Kịt sẽ về lại thành phố Yining để thăm làng dân gian Kazanqi vào buổi chiều. Nhưng điểm đến hồ Zhaosu khiến Kịt yêu thích quá nên đã lố tương đối nhiều thời gian. Mà cũng chẳng sao cả, vì trong suốt chuyến đi không có ngày nào Kịt không nhắn cho Ling vài chữ gói gọn nội dung: “Cứ thong thả, không có gì phải vội” =)))

Rời hồ Zhaosu, Ling bắt đầu chạy xe về lại thành phố Yining với tổng thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng. Lần này, để bù đắp cho ngày thứ 4 trời mưa xối xả khiến Kịt không thể ngắm trọn vẹn được “đại lộ cảnh quan” cao tốc Duku, Ling đã về Yining theo cung đường Yizhao – cũng là một trong những đoạn đường bao phê nhất tại Tân Cương.

So với cao tốc Duku, Yizhao tuy không hiểm trở và đa dạng bằng, nhưng cung đường này cũng có những khúc cua đèo nhìn xuống thiên nhiên tầng tầng lớp lớp đầy ngoạn mục. Ngoài ra, một điểm mà Yizhao khiến Kịt thích hơn so với Duku là đoạn đường này nằm khá sát bên những ngọn đồi trập trùng, nhấp nhô, giúp bạn có thể dừng xe và chạm vào thiên nhiên dễ dàng hơn lúc nào hết.

Cung đường Yizhao mãn nhãn với những khung hình đẹp đến nức nở như thế này

Những đàn cừu đang được chăn thả trên các đồng cỏ. Để chụp được những quả mông sẹc xy này, Kịt đã phải đỗ hẳn xe lại và lon ton chạy theo đằng sau :)))

Kịt đã gọi Yizhao là “Mã Pí Lèng” của Tân Cương nhưng phiên bản hùng vĩ hơn, nhiều màu sắc hơn :))

Yining (Six Star Street)

Vượt qua Yizhao hùng vĩ, chiếc xe của Ling đã về lại thành phố Yining. Ngoài thủ phủ Urumqi, Yining có lẽ là thành phố nhộn nhịp và ra dáng một thành phố lớn nhất tại vùng đất Tân Cương này. Những toà nhà cao tầng, những công viên xanh và những con người hoà mình vào nhịp sống hoàn toàn hiện đại, tuyệt nhiên không thấy cái dấu ấn nào của vùng đất hoang sơ mà tộc người Duy Ngô Nhĩ từng cai trị tại Yining.

Khách sạn ở Yining quả nhiên cũng là một trong những nơi ở tiện nghi xinh xẻo nhất trong cả chuyến đi. Sau khi check-in cất hành lý, lịch trình chiều tối nay sẽ là thăm quan chợ đêm tại khu Six Stars Street.

Six Stars Street là một điểm đến hoàn toàn ngẫu hứng, theo kiểu Kịt hỏi Ling buổi tối ở đây có gì vui và Ling quyết định đưa Kịt đến khu này. Trước khi tới Six Stars, Kịt cũng không kỳ vọng gì nhiều, nghĩ nó như kiểu mấy chợ đêm địa phương có vài khu ăn uống lặt vặt, dăm ba người mang đồ ra bán như những chỗ Kịt từng đi ở các quốc gia khác. Cho tới khi đặt chân đến khu này mới thấy, ôi chu choa, Six Stars vui bá cháy con bọ chét bà con ạ :))

Khu chợ đêm ở Six Stars Street rực rỡ với rất nhiều hàng quán dễ thương

Thứ nhất là người qua kẻ lại vô cùng nhộn nhịp, hàng quán thì khá phong phú đa dạng. Thứ hai là con phố dễ thương vô đối với rất nhiều bức bích họa màu mè được vẽ trên các bức tường, chấm điểm thêm những góc tượng decor hay những ngôi nhà đủ sắc màu rực rỡ dọc đường đi. Xì tai cũng đủ thể loại từ cô gái Ả rập đến búp bê Nga, từ gấu kinh dị khổng lồ đến ngôi nhà bánh kẹo. Đặc biệt có mấy con lạc đà bông đội chiếc mũ đặc trưng của nam giới dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nhìn cute hạt me tới mức Kịt chỉ muốn bắt hết về (mỗi tội vali bé quá không đủ nhét các em vào trong).

Thú vị nhất ở Six Stars là các tiết mục biểu diễn văn nghệ văn gừng. Đầu đường thì thấy các bà các mẹ ca hát theo điệu nhạc cổ truyền Trung Hoa, cuối đường đã thấy gái đẹp mặc đồ và múa may theo style Trung Đông, Ấn Độ. Nét pha trộn văn hóa của xứ sở Tân Cương thể hiện rõ ở những hoạt động mang tính nghệ thuật như thế này.

Bức vẽ em bé bên ô cửa sổ

Rồi ngay cạnh đó đổi phỏm sang cô nàng Ả Rập “nghìn lẻ một đêm” :)))

Vẫn chưa bằng “khúc cua khét lẹt” này khi đùng cái thấy luôn tượng búp bê Nga xếp hàng ngang trên đường =))

Tầm cuối ngày, Ling dẫn Kịt vào một quán kem thuộc hàng nổi tiếng nhất ở khu phố Six Stars. Kem ở đây có đủ 7749 vị lẫn topping, nhưng thứ thu hút nhất chính là không gian được decor bắt mắt theo đúng kiểu “nghìn lẻ một đêm”. Đã vậy quán còn bonus cho khách những tiết mục múa hát miễn phí ngay góc sân bên ngoài. Từ hai em gái xinh xắn mặc trang phục dân tộc múa rất dẻo cho tới hai bé nhân viên hát hay không kém các ca sĩ nghiệp dư :)).

Xung quanh bà con vừa cổ vũ nhiệt tình vừa hào hứng hát theo khiến không khí thật sự tưng bừng sôi nổi. Cái không khí ấy khiến một người ngoại quốc như Kịt cũng muốn hòa mình quẩy theo, bất giác thấy hảo cảm vô cùng với giới trẻ Trung Quốc bây giờ 😀

Những tiết mục văn nghệ văn gừng sôi động khắp khu phố chợ đêm

Nhìn chung Six Stars không phải là một nơi quá đặc sắc về cảnh quan, nhưng là nơi mang lại cho Kịt sự tươi mới và đa dạng về văn hóa, là một nét chấm phá đáng yêu trong cả cuộc hành trình chỉ toàn màu sắc của thiên nhiên.

Yining (Khu du lịch dân gian Kazanqi)

Ngày thứ 8 tại Bắc Tân Cương.

Kịt đã dành gần hết những địa điểm yêu thích sang ngày thứ 8 này chỉ vì lý do duy nhất: Hôm nay là ngày có thời tiết đẹp nhất trong cả chuyến đi! Lịch trình ngày thứ 8 sẽ là đến thăm Khu du lịch dân gian Kazanqi trong nội thành thành phố Yining. Sau đó chạy xe 2,5 tiếng về hồ Sayram, trước đó ghé qua cầu Guozigou – biểu tượng kiến trúc mới của Tân Cương.

Tầm 10g sáng Kịt đã có mặt ở Kazanqi. Đây là một trong những điểm du lịch thuộc hàng “must go” tại Yining nên chính quyền cũng đầu tư nhiều hoạt động và decor trang trí. Theo tìm hiểu của Kịt, Kazanqi đang là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc đa dạng, từ người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Uzbekistan đến nhiều dân tộc thiểu số khác. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những nét văn hóa rất đặc trưng và truyền thống tại đây, từ kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực đến âm nhạc và nghệ thuật. Đấy cũng là lý do mà Kazanqi được gọi là Khu du lịch văn hóa dân gian.

Chiếc cổng của Kazanqi nổi bật trong một ngày nắng đẹp

Bên trong khu du lịch dân gian Kazanqi là vô số những ngôi nhà được decor theo phong cách rực rỡ sắc màu như thế này

Ahihi đáng yêu quá !!! Tranh vẽ đáng yêu mà cháu Kịt cũng đáng yêu =)))

Một quán cafe với những góc decor không thể tưng bừng màu sắc hơn

Điểm độc đáo nhất của Kazanqi là màu xanh dương xuất hiện như một “tín ngưỡng”, một “dấu ấn độc quyền”. Mặc dù tại Kazanqi bạn có thể bắt gặp đầy đủ tất cả những sắc màu sặc sỡ nhất, nhưng xanh dương vẫn là ông vua tối cao ngự trị. Những bức tường xanh, những mái nhà xanh, những ô cửa xanh, những bốt cảnh sát xanh, những biển chỉ đường xanh và thậm chí ngày hôm nay đến bầu trời cũng xanh cho thêm phần đồng nhất :)).

Lêu hêu đi dạo trong từng ngõ ngách của Kazanqi cũng là trải nghiệm thú vị – đặc biệt với dân thích chụp ảnh sống ảo. Ngôi làng này có đủ những góc xinh xắn rực rỡ nhiều màu sắc cho bà con tha hồ tạo dáng check-in. So với Six Stars hôm qua, Kazanqi cũng không kém cạnh về độ vẽ vời chim muông hoa lá cành :))

Sắc xanh chiếm phần lớn tại khu du lịch Kazanqi

Tại Kazanqi, nhiều du khách cũng thích trải nghiệm dịch vụ ngồi xe ngựa (hay còn gọi là “Mã đề”). Những chiếc xe được trang trí bắt mắt, đến cả chú ngựa cũng được mặc áo đẹp đeo vòng cầu kỳ không khác gì một nhân viên chuyên nghiệp. Mỗi tội nhân viên này mùi hương không được thơm tho lắm, nên bà con nào khướu giác không quá nhạy (thôi thì nói thẳng ra là “điếc mũi”) thì ngồi thử trải nghiệm cũng có cái zui.

Một chiếc xe ngựa truyền thống bên trong Kazanqi

Một chú ngựa Kịt đánh giá “bô trai” nhất đội hình. Lông đẹp, màu đẹp thêm quả phụ kiện cầu kỳ, xứng đáng trao giải “mỹ mã vương” :))))

Kịt phải mất khoảng gần 2 tiếng lượn lờ chụp ảnh tại Kazanqi (chỗ này tui chụp ảnh nhiều vãi đấm bà con ạ, cho bõ cái công mặc váy trắng để phù hợp với không gian sắc màu tại đây). Đến tầm 12g trưa, Kịt rời khu làng dân gian và di chuyển về hồ Sayram – một trong những điểm đến đáng trông đợi nhất của cuộc hành trình.

Cầu Guozigou

Từ Kazanqi đến hồ Sayram mất tầm 2,5 tiếng chạy xe. Tuy nhiên, hầu hết mọi người khi đi trên cung đường này đều ít nhiều chú ý đến cây cầu Guozigou nhờ vẻ đẹp kiến trúc tráng lệ của công trình.

Ling chạy thẳng xe lên điểm cao nhất và đẹp nhất để Kịt có được tầm nhìn ngoạn mục về cầu Guozigou. Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cây cầu Guozigou sừng sững vươn mình qua thung lũng sâu gần 200 mét, nhìn xa như một dải lụa vắt ngang từng hẻm núi. Từ góc độ này có thể hiểu vì sao chiếc cầu này vẫn được xem là biểu tượng kiến trúc mới của Tân Cương.

Chắc vì công trình mang tính kiệt tác quá, lại nằm uy nghi giữa thiên nhiên bạt ngàn nên khá nhiều cặp đôi Trung Quốc tới đây chụp ảnh cưới. Hôm Kịt đến phải có tới 3 cặp cô dâu chú rể đang hăng say tác nghiệp. Mỗi bên đánh chiếm một góc trời, đảm bảo ảnh lên bao phê tuyệt hảo :))

Cầu Guozigou – công trình nổi bật bậc nhất Tân Cương

Chân dung hai em bé An Nam gió thổi tung toé tóc tai mà vẫn phải cố cười tít mắt chụp ảnh

Cô dâu chú rể trong hình có vô tình đọc được bài blog này thì liên hệ tui gửi ảnh chất lượng cao cho nhé =))

Mất khoảng 30 phút rẽ ngang lên điểm cao nhất để ngắm toàn cảnh cầu Guozigou, Ling đưa Kịt trở lại cung đường về hồ Sayram, và tất nhiên xe chạy trực tiếp qua chính chiếc cầu ấn tượng này!

Hồ Sayram

Hồ Sayram là một trong những địa điểm “hot” nhất tại Bắc Tân Cương, có lẽ cũng phải ngang hàng với mấy nơi kiểu thảo nguyên Nalati, làng Hemu hay hồ Kanas. Tuy nhiên với diện tích rộng lớn và nhiều điểm dừng chân ngắm cảnh, hồ Sayram không mang đến cảm giác đông đúc như những địa danh nổi tiếng kia.

Trước khi đến hồ Sayram, Kịt đã nghe đủ danh xưng mỹ miều về nơi này. “Giọt nước mắt cuối cùng của Đại Tây Dương” – một chiếc nick name đọc lên đã thấy vừa nghệ vừa oách :)). Chẳng trách bao nhiêu cặp đôi đã chọn nơi đây làm địa điểm chụp ảnh cưới, với hy vọng chiếc hồ bất tử này có thể chứng kiến tình yêu đôi lứa của họ.

Màu nước của Sayram xanh như màu nước đại dương!

Thiên hạ vẫn bảo thời điểm đẹp nhất đến thăm hồ Sayram là vào tháng 6 đến tháng 7, khi ấy trăm hoa đua nở, núi tuyết vẫn còn (nghe giống hệt thời điểm đi thăm thảo nguyên Tân Cương). Còn Kịt thì nghĩ rằng, điểm tiên quyết để đến Sayram trước tiên không phải tháng 6 tháng 7, mà bắt buộc phải vào một ngày trời nắng!

Mới 2 tuần trước ngày khởi hành đi Tân Cương, Kịt có đọc được một bài review của một bạn tới thăm Sayram đúng vào ngày âm u xám xịt và chê cái hồ này vừa tầm thường vừa xấu. Ai gồ vì lý do đó mà nhất định Kịt phải chọn được ngày nắng khi tới Sayram (và tui đã xếp lại lịch trình để tới được đây đúng ngày thời tiết xuất sắc nhất chuyến đi). Mặc dù chưa đến thăm Sayram vào ngày thời tiết xầm xì xấu xí, nhưng vào một ngày nắng đẹp như hôm Kịt đi, xin khẳng định chiếc hồ này vẫn xứng đáng được điểm 8,5-9 (không chấm 10 vì xin lỗi Tân Cương tui đã trót đi đảo Nam New Zealand mất rồi :(( ).

Trên chiếc du thuyền đi dạo quanh hồ Sayram. Ngày hôm ấy trời xanh nước xanh, không cháy máy chụp ảnh thật là hơi phí :))

Chiếc hồ rộng lớn hệt như biển. Vài chiếc thuyền dong buồm tạo thành nét chấm phá ấn tượng cho cả bức tranh

Chiếc hồ này nằm ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, diện tích lên tới 458k㎡ và được hình thành từ khoảng 70 triệu năm trước. Chu vi hồ theo Kịt phỏng đoán vào khoảng 100km, vì chiều tối hôm ấy Ling đã chạy xe cho Kịt ngắm nguyên 1 vòng hồ và thời gian mất đứt gần 2 tiếng đồng hồ (gần bằng quãng đường tui đi từ Hà Nội về thăm quê Hải Phòng rồi đó).

So với hồ Zhaosu, màu xanh của Sayram không có cảm giác xanh ngắt hay xanh đặc quánh bằng. Cảm giác nước hồ Sayram có gì đó rất giống màu xanh của đại dương (lại nhớ đến quả nick name đầy “chảnh chó” bên trên :))). Dọc đường đi Sayram là núi, là thảo nguyên, cái cảm giác bạt ngàn, bất tận chưa tới mức hoang sơ hoang dại nhưng vẫn đủ làm người ta trầm trồ, choáng ngợp. Dọc bên hồ đâu đó là những khu cắm trại tự do, có cả những chiếc lều vải theo style lều Yurt Mông Cổ.

Con đường bao quanh hồ Sayram với núi, đồng cỏ và rừng cây

Mùa này tại Sayram hầu như hoa đã tàn, cỏ cũng bắt đầu bước sang giai đoạn cỏ cháy. Nhưng vào thời khắc hoàng hôn, màu vàng rực của ánh nắng cuối ngày chiếu lên đồng cỏ cháy đấy vô tình lại mang đến những khung hình đẹp đến thổn thức gây thương nhớ.

Một khung hình mà Kịt đánh giá là iconic trong cả chuyến đi !!!

Dọc bên hồ Sayram là rất nhiều những lều Mông Cổ để du khách có thể ở qua đêm hoặc cắm trại

Một loạt những bức hình Kịt rất tâm đắc khi chụp vào thời khắc giờ vàng tại hồ Sayram

Nhiều du khách tới Sayram trong ngày vì cũng không có quá nhiều hoạt động vui chơi giải trí tại đây (dù chiếc hồ thì vẫn siêu to siêu bé bự). Kịt có thử trải nghiệm ngồi du thuyền ngắm cảnh, chạy xe đi đúng 1 vòng quanh hồ và tùy nghi dừng chụp ảnh ở điểm nào mình thích. Nhìn chung, Sayram vẫn là một trong những điểm Kịt yêu thích nhất tại Bắc Tân Cương, mặc dù bản thân Kịt cũng đã đi khá nhiều hồ trên thế giới.

Ngày hôm ấy vì muốn thử cảm giác đi hết 1 vòng hồ (mà ai ngờ cái chu vi nó to khủng bố thế), tận 10g tối Kịt mới về đến khách sạn. Ngày thứ 8 này có thể xem là chương cuối của cuộc hành trình, vì từ mai là dành thời gian chạy xe về lại thủ phủ Urumqi.

Ngày 9-11: Hẻm núi Anjihai – Urumqi – Hà Nội

Từ Sayram về lại Urumqi hết tổng 600km, nếu tập trung chạy xe sẽ hết khoảng 8 tiếng, hoàn toàn có thể đi được trong ngày. Tuy nhiên vì muốn dành thêm thời gian mua sắm lượn lờ ở Urumqi nên Kịt đã chia quãng đường này ra thành 2 ngày.

Lịch trình ngày thứ 9 sẽ đi thăm hẻm Anjihai, sau đó nghỉ đêm tại một thị trấn Shawa gần đó. Sẽ mất khoảng 4 tiếng từ Sayram để đến Anjihai.

Về bản chất, Anjihai có địa hình khá giống với Hẻm Độc Sơn Tử (Kịt đã đến vào ngày thứ 4 của chuyến đi). Những vách đá dựng đứng với những đường vân gồ ghề lồi lõm do sự bào mòn của tuyết và nước theo thời gian. Từ trên nhìn xuống, Anjihai gây ấn tượng bởi những cung đường ngoằn ngoèo hiểm trở. Xa xa còn là những vách đá mang một kiểu địa chất khác với gam đỏ rực rỡ.

So với Độc Sơn Tử, Anjihai có vẻ “kín tiếng” và ít được làm truyền thông hơn. Tại đây du khách không phải mua vé để vào trong, cũng không có những hoạt động vui chơi giải trí mạo hiểm như bên hẻm Độc Sơn Tử. Về cơ bản, Anjihai chỉ là một điểm dừng chân giúp chuyến đi của bạn thêm phần đa dạng phong phú mà thôi.

Hẻm Anjihai nhìn từ vị trí trên cao

Lại tạo dáng chụp ảnh check-in kiểu du khách =)))

Một style địa chất khác khiến cho khu vực Anjihai thêm đa dạng về cảnh quan

Một ngôi nhà nằm chơ vơ lẻ loi giữa khu Anjihai “đồng không mông quạnh”

Trên đường về thị trấn Shawa nhìn thấy cái xe với hai quả mông cừu đáng iu quá trời quá đất =))

Lêu hêu tại Anjihai khoảng 30-40p, Kịt về lại thị trấn Shawa nghỉ đêm. Shawa đúng kiểu một khu địa phương nhỏ ít khách du lịch nên mọi thứ ở đây khá cũ kỹ, lạc hậu, cảm giác như Việt Nam 20 năm về trước. Buổi chiều Kịt vô khu chợ đêm ở trung tâm thị trấn, thấy hoạt động vui chơi thuần túy kiểu lô tô xổ số tại mấy hội chợ vùng quê :)) Ấn tượng nhất là cứ vài mét vuông lại bắt gặp một Tôn Đại Thánh, nghĩa là người ta mặc đồ Ngộ Không đi bán kẹo kéo thậm chí đi xách loa hát rong =))).

Nghỉ ngơi tại Shawa 1 đêm, tới ngày thứ 10 Kịt về lại thủ phủ Urumqi, chuẩn bị cho chuyến bay sáng sớm ngày hôm sau. Ling dẫn Kịt về lại Chợ Ba Tư cũng như các khu chợ địa phương khác để mua các món đặc sản vùng miền làm quà cho bạn bè người thân tại Việt Nam. Trừ mấy món đã rất nổi tiếng kiểu táo đỏ, tại Tân Cương có thịt trâu đóng gói ngon hết sảy bà bảy (tui rất rất recommend nha). Ngoài ra có thêm mấy món kẹo sữa lạc đà ăn cũng lạ lạ ngon ngon.

Kết thúc 11 ngày rong ruổi tại Tân Cương, với đủ địa hình và cảnh sắc từ hồ nước đến thảo nguyên, từ hoang mạc đến núi đồi. Trải qua thời tiết từ nắng tới mưa, từ 45 độ nóng hầm hập tại thành phố Turpan cho tới 5 độ rét run người trên cao nguyên Qiaxi.

Trước lúc đi đã đọc rất nhiều review không tốt về Tân Cương. Đến khi đi bản thân cũng lại so sánh Tân Cương với New Zealand về thiên nhiên và cảnh sắc. Ngẫm cho đến cùng Tân Cương đã bị Kịt đón nhận một cách không công bằng. Tân Cương không có lỗi khi các công ty tour xây dựng những hành trình đại trà khiến du khách chưa chạm được đến những điểm đẹp nhất của vùng đất này. Tân Cương càng không có lỗi khi người ta cứ vội vã đến cho đủ điểm check-in mà chưa dành thời gian để hiểu, để cảm, để trải nghiệm mảnh đất giàu bản sắc đó.

Tân Cương, chắc chắn bây giờ vẫn là một cô gái đẹp. Dù cho cô gái ấy đã ít nhiều không phải là cô gái Duy Ngô Nhĩ truyền thống ngày xưa. Nhưng nếu bạn muốn, cô gái ấy vẫn có nhiều điểm để yêu, để tìm hiểu và đồng điệu <3

Đề bài đặt ra: Anh hãy chụp em như một cô gái đang bay nhảy giữa thảo nguyên rộng lớn!
Kết quả thu được: Như một con hoạt hình di động =))
Tổng kết lại: Không sao, thật sự thì Kịt vẫn đang thả mình giữa Tân Cương xinh đẹp đấy  <3

You Might Also Like...