TRIP WITH KIT
Châu Đại Dương New Zealand

Du lịch New Zealand tự túc: Kinh nghiệm xin visa, thuê xe tự lái và lên lịch trình

Luôn được xem là một trong những đất nước đẹp nhất trên thế giới, vẻ đẹp thiên nhiên hùng tráng của New Zealand bắt đầu được biết đến rộng rãi từ sau series huyền thoại “The Lord of the Rings”. Hơn 20 năm trước khi lần đầu xem Chúa Nhẫn, Kịt đã nghĩ phong cảnh trong này gần như dùng kỹ xảo bởi vẻ đẹp quá sức vô thực. Cho đến khi biết tất cả đều là những cảnh quay thực tế từ New Zealand, Kịt mới trầm trồ tại sao trên thế giới có một quốc gia đẹp như trong truyền thuyết đến vậy.

->>> Loạt bài review road trip tại đảo Nam New Zealand:

P1: Queenstown – Thị trấn của nữ hoàng
P2: Milford Sound – kỳ quan thứ 8 của nhân loại
P3: Glenorchy & Cromwell rực rỡ ngày thu
P4: “Thị trấn vàng” Arrowtown
P5: Trải nghiệm Wanaka – Roys Peak Track – Blue Pools Track
P6: Aoraki / Mount Cook – nơi núi tuyết huyền thoại
P7: Những ngày ở Tekapo Lake & Christchurch

Một khung cảnh thường xuyên bắt gặp trên những cung đường road trip tại đảo Nam New Zealand

Lần đầu tiên Kịt nghĩ tới du lịch New Zealand là khoảng hơn 5 năm trước, và cũng định khăn gói lên đường vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 năm 2018. Cuối cùng lên mạng search vé máy bay tí cắn lưỡi vì đắt kinh khủng nên đành chuyển hướng đi Nga (nhân nói vụ đi Nga khi nào bác Putin hết đánh nhau với U-cờ để du lịch Nga được ổn định trở lại, bà con có thể đọc qua bài review của Kịt tại ĐÂY để thử trải nghiệm một nước Nga Ngon – Bổ – Rẻ đúng nghĩa nhé).

Trong 5 năm qua, tính luôn cả 2 năm dịch Covid, Kịt đã đi thêm được không ít nước Âu Á, nhưng trong lòng vẫn chưa bao giờ quên ước mơ được một lần road trip tại New Zealand. Cuối cùng sau bao ngày chờ đợi, mong mỏi đấy đã trở thành hiện thực khi Kịt và zai nhà đã hoàn thành chuyến đi 19 ngày (bao gồm cả 3 ngày bay) đến South Island (Đảo Nam) – vùng đất được mệnh danh là thánh địa của Chúa Nhẫn tại New Zealand xinh đẹp.

Thị trấn Arrowtown lúc vào thu

Đây là chuyến đi tuyệt vời nhất trong tất cả những chuyến du lịch Kịt từng trải qua. Không chỉ bởi Đảo Nam New Zealand đẹp như một vùng đất huyền thoại (đẹp nhất trong những nơi mình đã đặt chân đến ạ), mà còn bởi Kịt thực sự tự hào vì đã chuẩn bị chu đáo từ A đến Z cho điểm đến không nhiều người Việt Nam lựa chọn du lịch, cũng như bởi zai nhà Kịt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài xế với cả nghìn km lái trái (ngược hoàn toàn với Việt Nam).

Đến hẹn lại lên, series bài viết này sẽ chia sẻ về tất cả mọi thứ liên quan đến chuyến đi từ 16/4-4/5/2023 vừa kết thúc của Kịt, bao gồm cả chuẩn bị trước khi đi lẫn review thực tế của từng điểm đến.

Visa New Zealand

Kịt bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi New Zealand từ tháng 9 năm ngoái 2022. Ngay khi có thông tin New Zealand mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch covid, mình đã bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ để xin visa. Thời điểm đó trung bình phải mất đến 3 tháng mới có kết quả (kiểu bà con apply mà ngồi chờ mỏi mòn như nàng Tô Thị chờ chồng luôn =)))).

Những hình ảnh vô cùng nên thơ được chụp tại đảo Nảm

Giống như Úc, New Zealand xin visa online và agency phụ trách là VFS (link website tại ĐÂY). Hồ sơ sẽ được chuẩn bị bản cứng rồi scan lấy bản màu, tiếng Việt thì phải dịch sang tiếng Anh (chỉ cần công ty dịch thuật đóng dấu xác nhận, không cần công chứng), sau đó upload tất cả lên website của Sở Di Trú New Zealand (LINK). Trước đó, bạn cần tạo tài khoản RealMe trên website này và điền hồ sơ xin visa online. Điền xong thì upload các giấy tờ cơ bản gồm:

  • Hộ chiếu (tất nhiên roài);
  • Ảnh nộp online: Xem yêu cầu tại LINK
  • Giấy tờ cá nhân: Sổ hộ khẩu, CCCD, Sơ yếu lý lịch (tuy nhiên gần đây bên Sở Di Trú NZ không còn yêu cầu giấy tờ này), Giấy đăng ký kết hôn (nếu có). Tất cả dịch tiếng Anh không cần công chứng như ở trên mình có đề cập.
  • Các giấy tờ chứng minh thu nhập như hợp đồng lao động, giấy nghỉ phép, bảng lương hoặc sao kê ngân hàng có thông tin lương hàng tháng, sổ tiết kiệm, sổ đỏ hoặc bất cứ thứ gì chứng minh bạn có tiền và không có nhu cầu bỏ lại đống tài sản đó để sang trốn ở lại New Zealand.
  • Các giấy tờ cơ bản khác cho du lịch như booking khách sạn vé máy bay, lịch trình, bảo hiểm du lịch… Nhìn chung toàn những thứ mà lần nào xin visa bà con cũng phải chuẩn bị.
  • Có thể bổ sung thêm Cover Letter để trình bày lý do vì sao muốn đi New Zealand (mục đích giúp hồ sơ thêm độ tin cậy chứ không phải giấy tờ bắt buộc).
  • Update thêm là hiện tại visa New Zealand 100% làm online. Không cần nôp hộ chiếu gốc. Không cần lăn tay. Thanh toán phí visa bằng thẻ tín dụng là ngồi chờ kết quả. Trong trường hợp bạn có thư yêu cầu nộp hộ chiếu gốc thì lúc đó bạn mới cần nộp cho VFS.

Một khung hình rất rất đẹp trên cung track ở Glenorchy

Khoảng 2 tháng sau Kịt đã có kết quả visa (ôi vẫn nhanh chán so với trung bình lúc ấy là 90 working days rồi adidaphat ạ !!!). New Zealand cho luôn multi thời hạn 1 năm, nhưng mà thôi đất nước các bạn xa vãi đấm ra tui cũng chỉ đi 1 lần thôi không có thời gian (và cả tài chính) để quay lại trong cùng 1 năm đâu ạ =))).

Vé máy bay đi New Zealand

Thường bà con sẽ đến New Zealand theo 2 cách:
Bay trực tiếp đến New Zealand từ Việt Nam: Một số hãng khai thác như Air New Zealand, Singapore Airlines, Cathay Pacific. Thường sẽ bay đến hai thành phố lớn là Auckland hoặc Wellington nên chuyến bay sẽ transit tại Hong Kong hoặc Sin.
Bay đến Úc trước rồi bay tiếp đến New Zealand: Cách này chi phí thường rẻ hơn khá nhiều do đường bay đi Úc được nhiều hãng khai thác hơn so với New Zealand, từ đó săn vé rẻ cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên bạn sẽ phải mất thêm công đoạn xin visa transit Úc.

Thiên nhiên hùng vĩ và ngồn ngộn tại New Zealand, nơi tận cùng trái đất =)))

Với trường hợp của Kịt, vì lười xin visa transit Úc + thành phố mình đến không phải thành phố lớn của đảo Bắc và không dễ tìm được chuyến bay từ Úc nối liền nên mình đã chọn cách đầu tiên.

Tuy nhiên, không rõ có phải vì vừa mở cửa sau dịch, hay cái đất nước New Zealand này nó xa xôi hẻo lánh quá mà rất ít hãng hàng không thời điểm cuối năm 2022 khai thác chuyến bay. Hồi trước cứ nghĩ đơn giản là New Zealand ngay gần Úc, thiên hạ đi Úc không ít chứng tỏ New Zealand cũng chẳng quá xa. Cho đến khi lọ mọ lên xem vị trí của New Zealand trên bản đồ thế giới mới ngã ngửa ối dồi ơi sao cái đảo này nó ở cái nơi tận cùng trái đất thế =)))))

Không hẳn là nó gần nước Úc mà đúng hơn là GẦN NHẤT nước Úc so với các nước còn lại. Bà con phải đi qua cả cái nước Úc to như một cái châu lục rồi đi thêm cả cái biển Tasman mới lặn lội tới được cái đất nước này. Chưa kể chuyến đi này Kịt còn chỉ đi đảo Nam, không có nhu cầu đặt chân đến thủ đô Wellington hay thành phố đông dân nhất Auckland ở đảo Bắc nên việc tìm vé càng khó hơn.

Điểm đến của Kịt là đảo Nam thuần chất thiên nhiên chứ không phải những thành phố lớn của New Zealand

Cuối cùng sau một ngày mò mẫm, Kịt đã quyết định chốt luôn hãng hàng không quốc gia của xứ sở kiwi – hãng Air New Zealand. Để đặt được vé (tức chọn được điểm đi là Hà Nội), bạn phải vào website của Air New Zealand Singapore. Muốn thanh toán thành công, bạn phải đăng ký tài khoản trở thành thành viên của hãng.

Mình chọn bay đến Queenstown và bay về từ Christchurch. Cả hai lần đều transit tại Auckland (nhập cảnh cũng tại Auckland luôn). Chuyến đi thì transit thêm ở Hong Kong (bay Cathay), chuyến về thì transit tại Sin (bay Sin Airlines). Bạn nên chọn thời gian transit tại Auckland ít nhất là 2 tiếng vì tại đây bạn sẽ xếp hàng nhập cảnh, lấy hành lý và tiếp tục xếp hàng làm thủ tục scan. Kịt đi vào mùa không phải cao điểm (mùa thu) mà vẫn phải xếp hàng lâu kinh khủng. New Zealand cũng làm rất chặt vụ hành lý, đặc biệt liên quan đến đồ ăn nên hãy cứ trung thực khai báo để tránh việc phải nộp phạt nhé.

Mùa thu lá đỏ không phải high season ở New Zealand mà xếp hàng nhập cảnh vẫn đông lắm nhé

Nói không ngoa khi New Zealand nằm trong số những vùng đất cuối cùng có con người đến định cư trên trái đất, bởi vì sau khi bay được đến đấy tui cảm thấy nát hết cả người (Kịt mất gần 2 ngày cho chặng đi và hơn 1 ngày cho chặng về, tính cả thời gian chênh múi giờ). Chính vì phải bay nhiều như vậy nên ở chặng về, Kịt đã mạnh dạn upgrade hai vé máy bay của mình lên skycouch với chi phí trả thêm là khoảng 500 đô Sin. Hãng Air New Zealand có hạng ghế này và thật sự nó đã giúp hai đứa mình có một giấc ngủ thẳng căng 8 tiếng vô cùng khoẻ mạnh (3 tiếng còn lại dành cho việc ăn và cất cánh, hạ cánh).

Nhìn chung Skycouch của Air New Zealand chỉ phù hợp với người châu Á chứ khá chật chội nếu hai người Tây Âu cùng nằm. Bằng chứng là hôm về, trong khi Kịt và zai nhà có thể điều chỉnh dáng nằm một cách linh hoạt thì ngay hàng trên, hai anh chị Tây Mẽo đúng nghĩa nằm đè lên nhau mới có thể fit được diện tích của skycouch. Các bạn cứ tưởng tượng mỗi anh chị to gấp đôi con Kịt, cộng lại là 4 con Kịt trong khi chỉ cần 3 con Kịt đã méo thể chen nổi ở cái hàng skycouch kia =))). Đấy vậy nên bình thường cứ tự ti vì vóc dáng còi xương cao chưa được met 6 mà cứ lên máy bay là lại thấy cái thân hình chíp hôi này mới lợi thế làm sao :))).

Tổng kết lại theo đánh giá cá nhân, Air New Zealand mang lại cho Kịt rất nhiều hảo cảm. Đồ ăn ổn, nhân viên nice, và đúng hơn là con người New Zealand mình gặp trong chuyến đi hầu hết đều rất thân thiện, dễ mến!

Skycouch của Air New Zealand (ảnh lấy từ website hãng)

Thuê xe ô tô tự lái tại New Zealand

Nên thuê xe của công ty nào?

Lựa chọn Đảo Nam đồng nghĩa với việc PHẢI có một chiếc ô tô mới có thể trải nghiệm được trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất thần tiên này. Thật ra bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện công cộng để đến một số thị trấn/địa danh phổ biến, tuy nhiên phần lớn những nơi đẹp nhất tại đảo Nam vẫn cần có ô tô riêng. Chưa kể, thứ ấn tượng nhất tại Đảo Nam là những cung đường bạt ngàn bất tận, phải đi xe tự lái mới tận hưởng được đầy đủ “chất kích thích kỳ diệu” đó :))

Chiếc xe đồng hành cùng hai đứa suốt chặng đường tại New Zealand. Màu đỏ nên chụp ảnh bao nổi :)))

Chỉ cần bằng lái của bạn có ngôn ngữ tiếng Anh (giống trường hợp của zai nhà Kịt), bạn đã có thể thuê xe tại New Zealand. Trong trường hợp trên bằng lái không có tiếng Anh, bạn cần có bằng lái quốc tế hoặc bản dịch công chứng sang tiếng Anh. Tí nữa cuối phần này mình sẽ thả một chiếc link (tiếng Anh) có ghi rất chi tiết đầy đủ về những điều cần biết khi thuê xe tại New Zealand bao gồm cả phần bằng lái.

Glenorchy – một thị trấn rất xinh xắn tại đảo Nam được mệnh danh “cửa ngõ thiên đường”

Thuê xe tự lái là một hình thức rất phổ biến tại New Zealand dành cho du khách, bởi vậy tại đây có không ít các công ty kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên vào mùa cao điểm (ví dụ mùa hè, dịp nghỉ lễ), lượng xe đặt bay rất nhanh nên nếu có kế hoạch đi du hí tại New Zealand, bạn hãy đặt xe càng sớm càng tốt.

Kịt đã dành gần 1 tuần để đọc nát trên internet về các công ty cho thuê xe tại New Zealand, có thể kể đến Go Rentals, SNAP, ACE, OMEGA, EZI, Apex, Budget…. Và sau khi tham khảo giá tiền cũng như review của người quen hay 500 anh em trên các group du lịch New Zealand (group dành cho tất cả du khách trên thế giới nên feedback vô cùng đa dạng), Kịt đã lựa chọn GO Rentals.

Giá của GO Rentals không phải rẻ nhất, nhưng review về service của hãng này vô cùng tốt (và sau khi trải nghiệm thì Kịt xin khẳng định là tốt thật, chăm sóc khách hàng tử tế tuyệt vời luôn). Một ví dụ nho nhỏ là Kịt có gửi email cho 5 công ty thuê xe hỏi về dịch vụ thì GO Rentals là hãng trả lời đầu tiên và cũng là hàng duy nhất trả lời mình đến tận cùng từng câu hỏi nhỏ nhất. Hôm cuối cùng khi trả xe cho GO Rentals tại sân bay Christchurch, nhân viên còn chu đáo lái xe đưa bọn mình ra tận chỗ chờ xe bus để về lại trung tâm thành phố.

Đây là link website của GO Rentals: https://www.gorentals.co.nz/vehicles/. Trong trường hợp không đặt được trực tiếp trên website (như đợt Kịt đặt không hiểu sao website cứ báo SOLD OUT), bạn hãy email trực tiếp cho hãng theo địa chỉ info@gorentals.co.nz, nhân viên sẽ nhiệt tình hỗ trợ bạn đặt booking nhé.

Nên thuê loại xe nào?

Có 2 loại phổ biến tại New Zealand là thuê xe thông thường phục vụ riêng cho việc di chuyển và thuê campervan/caravan với đầy đủ giường bếp tủ lạnh trên xe. Nếu chọn opt 1, bạn sẽ cần đặt thêm hotel/hostel tại các thị trấn, thành phố để ngủ đêm. Còn nếu triển opt 2 thì khỏi lo, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, cứ vô tư đi thôi mà không cần lo việc chặt chẽ về lịch trình :)) Tất nhiên tiện nghi, tắm táp sẽ không được thoải mái bằng opt 1 nhưng cái cảm giác đi cắm trại kiểu này lúc nào cũng kích thích và nhiều trải nghiệm thú vị.

Những hồ nước rộng lớn và xanh ngút ngàn tại đảo Nam. Đây cũng thường được chọn là địa điểm campground cho các bạn du lịch bụi

Trên suốt chặng đường, Kịt gặp rất nhiều các campervan/caravan, chứng tỏ cho việc du khách cực kỳ thích opt này khi du lịch tại đảo Nam. Cũng không có gì lạ vì New Zealand là thiên đường cho thể loại du lịch bằng “nhà di động”, bởi quốc gia này có khá nhiều campground, nhiều nơi trong số đó còn có cả toilet hay tắm nước nóng.

Kịt cũng đã biết nhiều trường hợp các bạn Việt Nam qua New Zealand chơi bằng hình thức campervan/caravan, và gần như tất cả các bạn đều đang sinh sống tại Úc, đã quen với việc lái trái, từng có kinh nghiệm road trip và quan trọng nhất, các bạn bay đến đảo quốc kiwi chỉ mất vài giờ đồng hồ.

Chèn thêm ảnh cho bài viết sinh động đỡ lắm chữ chứ không có mục đích gì cao siêu =)))

Với trường hợp của Kịt bay đến từ Việt Nam, hành lý khá cồng kềnh không thích hợp với không gian nhỏ gọn của campervan, lần đầu làm quen với lái xe bên trái và đặc biệt là vẫn nhát gan hơi hãi kiểu cắm trại ở nơi đồng không mông quạnh =))) Do đó tui đã chọn option đơn giản nguyên thuỷ nhất là thuê 1 chiếc xe 4 chỗ cho hai vợ chồng rồi tối đến ngủ thật tử tế tiện nghi ở hotel/hostel trong thị trấn =))) Thú thật với các bác là mỗi lần nhìn thấy các bạn lái campervan, tui cũng thèm kinh khủng, kiểu muốn được trải nghiệm cái cảm giác anh em bốn bể là nhà như vậy =))). Nhưng thôi gì thì gì, lần đầu road trip cứ phải tìm phương án an toàn, dễ thích nghi và phù hợp nhất với bản thân 😀

Một số những lưu ý khác khi thuê xe và lái xe tại New Zealand

– Khi nhận xe, bạn nhớ kiểm tra kỹ hiện trạng của xe, cần thiết thì chụp ảnh lại làm bằng chứng. Kịt recommend mọi người mua luôn gói bảo hiểm Peace of mind khi thuê xe để cover hết rủi ro trong chuyến hành trình (xước xe, hỏng xe,…). Cũng recommend mua luôn gói GPS vì ở đảo Nam cứ ra khỏi thị trấn là 4G mất sóng không vào được internet. Bạn có thể download bản đồ offline trên Google Map để sử dụng nhưng tốt nhất là xài GPS cho tiện dụng với người lái xe.

– Nhiều hãng xe sẽ charge thêm phí relocation, tức nhận xe một nơi, trả xe một nơi. Như trường hợp của Kịt, mình nhận xe ở Queenstown và trả tại Christchurch nên mất thêm 50 đô NZ.

– Tuỳ hãng xe mà bạn sẽ mất thêm chi phí nếu nhóm của bạn có hơn 1 người cầm lái. Nhà em thì con Kịt vô dụng còn không biết lái xe nên cả chuyến đi zai nhà phải nai lưng làm tài xế. Và thật ra nếu em may mắn có bằng lái thì zai nhà cũng chẳng yên tâm ngồi đằng sau vô lăng của con tăng động như em đâu =)))

– Nếu gặp vấn đề gì trên đường, ví dụ tai nạn, hỏng xe…, bạn hãy liên hệ bên trợ giúp AA (Automobile Association) theo sđt 0800 500 231, hoạt động 8am – 8pm từ thứ 2 đến thứ 6 và 8am – 6pm vào cuối tuần + ngày nghỉ lễ.

– Hãy luôn nhớ đổ đầy xăng mỗi khi vào trong thị trấn, bởi ra ngoài thị trấn đi đường cao tốc bạt ngàn rất hiếm có trạm xăng.

Hồ nước, thảo nguyên là những hình ảnh thường xuyên bắt gặp tại các cung đường đảo Nam

– Giống như bên Úc, tại New Zealand lái xe bên trái ngược hoàn toàn với Việt Nam. Đây chắc hẳn là điều mọi người quan tâm nhất khi đọc bài review này của Kịt, đó là liệu dân Việt sang bên đó có dễ thích nghi với việc lái trái hay không? Kịt thì không phải người cầm lái, tuy nhiên em có thể thay mặt zai nhà làm phát ngôn viên hộ, khẳng định là KHÔNG KHÓ nếu bạn đã lái cứng ở Việt Nam (À nói thêm là áp dụng với đảo Nam lắm đồng không mông quạnh, thị trấn thưa thớt người thôi nhé, chứ em chưa đi đảo Bắc nên chắc di chuyển trong thành phố lớn đông dân sẽ khó khăn hơn nhiều).

Zai nhà Kịt không lái xe hàng ngày ở Hà Nội (kiểu thi thoảng mới lôi xe ra dùng hoặc lái về Hải Phòng thăm gia đình). Phải cái lái xe ít nhưng được cái tính tình cẩn thận, đầu óc cũng thông minh logic đọc tình huống tốt nên anh zai chỉ hơi lúng túng trong khoảng 30 phút đầu tiên khi đi qua mấy cái vòng xoay, và liên tục ấn nhầm xi nhan với cái gạt nước =))).

Tới 1-2 ngày sau đó là anh zai gần như quen hoàn toàn với việc lái trái, một phần nhờ các làn đường của New Zealand rất rõ ràng, dễ hiểu, chưa kể đường đi còn đẹp bá cháy con bọ chét. Lúc di chuyển trong các thị trấn như Queenstown, Wanaka hoặc thành phố Christchurch, xe cứ đi đúng làn bám theo xe đằng trước. Còn khi ra đến ngoại ô thì thôi khỏi nói, băng băng 80-100km/h đều tăm tắp đúng kiểu “thế giới này là của riêng chúng mình”.

New Zealand – thiên đường của những con cừu mập mạp múp míp. Cứ chạy xe một tí là lại thấy những cánh đồng đầy cừu

Lúc thuê xe của GO Rentals, họ cũng phát cho quyển lưu ý về lái xe trái ở New Zealand bằng đủ thứ tiếng (mà tất nhiên không có tiếng Việt ạ). Các bạn có thể tham khảo bản pdf tại file mình up lên: Driving_in_New_Zealand_English  

– Và cuối cùng, dù không phải là người cầm lái (thậm chí còn méo biết lái xe và méo biết luật =))), nhưng Kịt vẫn vô cùng chịu khó ngồi đọc đầy đủ thông tin về việc thuê xe, lái xe tại hòn đảo này. Dưới đây là chiếc link mà Kịt có nói ở trên, tổng hợp gần như đầy đủ nhất những điều bạn cần biết, hy vọng sẽ ít nhiều mang thêm cho bạn động lực để đến khám phá vùng đất của Chúa Nhẫn vô cùng xinh đẹp này:

https://nzpocketguide.com/guide-to-renting-a-car-campervan-in-new-zealand/ 

Khách sạn tại New Zealand

New Zealand dân cư đã ít mà tại đảo Nam số người sinh sống còn thưa thớt hơn. Việc lái xe hơn 100km mới nhìn thấy một cái thị trấn nhỏ là chuyện hết sức bình thường. Bởi vậy, nếu thuê phòng tại đảo Nam, hãy cứ mạnh dạn mà đặt chỗ nào sát luôn trung tâm ạ.

Giá phòng ở đảo Nam không rẻ nhưng cũng không quá đắt (cảm giác tương đương với bên châu Âu). Chất lượng dịch vụ khá sạch sẽ, tử tế. Dưới đây là những hotel/motel mà Kịt đã đặt trong suốt hành trình của mình.

1/ Queenstown_Heartland Hotel Queenstown (đặt qua Agoda): Hotel cách khu trung tâm vài bước chân, phòng đẹp, service tốt, có điểm cộng rất lớn là cung cấp chỗ đỗ xe miễn phí cho khách hàng (ở Queenstown thấy giang hồ đồn là rất khó để tìm được chỗ parking). Tuy chỗ đỗ xe là limited theo kiểu first come first served nhưng chưa hôm nào bọn mình về mà không có chỗ parking, thậm chí còn đỗ được luôn xe ngay trước cửa phòng.

Queenstown – “thành phố của nữ hoàng” ngập sắc vàng đỏ mùa thu

2/ Arrowtown_ Arrowtown Country Cottage (đặt qua Agoda): Đây là một ngôi nhà theo phong cách cottage riêng biệt, bọn mình thuê với mục đích nghỉ ngơi là chính vì thị trấn Arrowtown là một trong những điểm đến lãng mạn nhất, đẹp nhất vào mùa thu lá đỏ.

Ngôi nhà cottage tại Arrowtown hai đứa mình đã thuê

3/ Wanaka_Aspiring Lodge Motel (đặt qua Agoda): Cũng cách hồ Wanaka và trung tâm vài bước chân. Motel nên chất lượng không bằng được khách sạn ở Queenstown nhưng tổng thể tạm ổn. Wanaka không nhiều lựa chọn như Queenstown và lúc mình search nơi ở tại đây thì cảm thấy Aspiring Lodge có giá rổ hợp lý nhất.

4/ Aoraki Mount Cook _The Hermitage Hotel (đặt trực tiếp qua website https://www.hermitage.co.nz/): Khu vực Mount Cook thì đúng kiểu thâm sơn cùng cốc nên Hermitage có thể xem là khách sạn duy nhất ở vùng này (hình như quanh đó cũng có 1-2 chỗ thuê ở nữa nhưng chắc chắn dịch vụ không thể bằng được Hermitage). Hermitage có khu hotel và motel. Kịt thuê một căn Motel Studio Queen cũng ngay gần khu Hotel thôi, parking ngay trước cửa phòng, view nhìn thẳng ra núi tuyết. Nội thất bên trong đẹp, mới, sạch sẽ, nhìn chung là không chê vào đâu được (cùng là motel mà đúng là có motel this motel that, cái này ăn đứt quả Aspiring Lodge ở Wanaka =))).

Lưu ý là đặt phòng qua website sẽ rẻ và nhiều lựa chọn hơn so với các trang agoda hay booking.com, nhưng lúc thanh toán sẽ có sự kén chọn về loại thẻ tín dụng. Mình thanh toán bằng thẻ Techcombank thì không được, chuyển qua thẻ của HSBC ngân hàng quốc tế thì một phát trừ tiền luôn.

Núi Cook trong một ngày trời xanh nắng đẹp

5/ Tekapo Lake_ Aldourie Lodge (đặt qua Airbnb): Kịt ở Tekapo 1 đêm thôi và cũng là ngày gần cuối cuộc hành trình dài nên tui đã mạnh tay thuê hẳn một căn nhà siêu bá đạo với tầm view thẳng ra nhà thờ biểu tượng của vùng là The Church of the Good Shepherd. Tuy nhiên thứ ấn tượng nhất của căn hộ này không phải ở quả view mà là diện tích rộng mênh mang cùng nội thất thuần đồ cổ đẹp phát điên rồ của nó :((. Nhà đẹp và xịn tới mức dùng cái gì cũng không dám vì sợ làm hỏng. Nhìn chung căn nhà này là quá rộng so với 2 vợ chồng nhưng nếu bạn đi cả nhóm đông người thì đây đúng là nơi trên cả lý tưởng (đẹp nhất là 6 người tuy nhiên 10 người cũng vẫn chứa được nhé =))))

Còn đây là Aldourie Lodge tại Tekapo đẹp từ trong ra ngoài

View nhìn từ Aldourie Lodge ra thẳng Tekapo và nhà thờ Good Shepherd

6/ Christchurch_The Grange Boutique Motel (đặt qua Agoda): Cũng ở 1 đêm để tối hôm sau ra sân bay về lại Việt Nam nên không đòi hỏi nhiều về nơi ở. Motel ngay ở khu trung tâm, tiện ích vừa đủ, nhân viên tử tế thân thiện vô cùng.

Ngoài những nơi kể trên, Kịt có dành 1 đêm ngủ trên cruise khi đi Milford Sound.

Chi phí dự kiến chuyến đi 19 ngày tới đảo Nam New Zealand

Du lịch New Zealand khá đắt đỏ, và càng vào mùa cao điểm (vd mùa hè) chi phí sẽ càng bị đội lên. Dưới đây là bảng chi phí của Kịt mà bạn có thể tham khảo (áp dụng cho 2 người, đi vào mùa thu là mùa thấp điểm, ăn tiêu thuộc hàng thoải mái):

STT Hạng mục Tổng tiền (Đơn vị: Triệu VND) Ghi chú
1 Khách sạn:
6 đêm Queenstown
2 đêm Arrowtown
3 đêm Wanaka
2 đêm Aoraki Mount Cook
1 đêm Tekapo
1 đêm Christchurch
55 – Trung bình 1 đêm ở hotel/hostel với chất lượng ổn, đẹp ngay trung tâm các thị trấn chính sẽ rơi vào khoảng 2,5-3tr/2 người. Budget nhiều hơn thì chỗ tất nhiên sẽ tiện nghi hơn.
– Arrowtown và Tekapo là 2 nơi giá phòng không đắt nhưng mình đã lựa chọn các căn kiểu biệt thự /cottage nên chi phí cao hơn.
2 Tour đi Milford Sound 2 ngày 1 đêm 18.5 Đã bao gồm luôn ngủ đêm và ăn uống trên tàu + đưa đón từ trung tâm Queenstown
3 Thuê xe ô tô tự lái 12 ngày (hãng GO Rentals) 24.5 Đã bao gồm các phụ phí khác (GPS, bảo hiểm, phí relocation…)
4 Tiền xăng xe 3
5 Ăn uống + các chi tiêu khác cho cả chuyến đi 19 ngày (tính cả 3 ngày bay) 30
6 Visa (thuê dịch vụ) 12

TỔNG: 143tr/2 người chưa tính tiền vé máy bay.

Lý do mình không liệt kê chi phí vé máy bay vì hạng mục này rất vô cùng. Nếu bạn chủ trương đi máy bay giá rẻ và bay từ Úc thì tiền vé máy bay có thể may mắn chỉ 15tr/người. Như mình vì New Zealand quá xa, chặng bay quá dài nên mình đã lựa chọn các dịch vụ tương đối tốt (có upgrade lên skycouch) nên thực tế tiền máy bay của mình là tận 40tr/người.

Hồ Tekapo và nhà thờ Good Shepherd trong thời điểm giờ vàng những ngày cuối thu

Lịch trình tham khảo (chỉ đi Đảo Nam New Zealand)

Có hai lịch trình phổ biến nhất tại đảo Nam mà dân du lịch hay lựa chọn:

– Xuất phát từ Christchurch và kết thúc cũng tại Christchurch (đi cung ngược chiều kim đồng hồ để thấy trọn vẹn cảnh núi non đằng trước). Đi qua mạn West Coast với đèo Arthur’s Pass, Hokitika, Franz Josef Glacier, về đến Queenstown rồi bắt đầu khám phá những nơi lân cận (Milford Sound, Te Anau, Glenorchy, vùng Central Otago, Arrowtown, Wanaka), sau đó đi tiếp đến Mt Cook, Tekapo Lake và về lại Christchurch.

Opt 1: Một cung vòng tròn, xuất phát từ Christchurch và kết thúc tại Christchurch

– Xuất phát từ Queenstown và kết thúc ở Christchurch (hoặc thậm chí về từ Queenstown). Với opt này thì bỏ qua toàn bộ mạn Arthur’s Pass, Franz Josef Glacier…, chỉ tập trung những nơi cách Queenstown tầm 3-5 giờ xe chạy (và theo review của phần lớn mọi người, đây cũng hầu hết là những gì tinh hoa đẹp nhất của đảo Nam).

Opt 2: Xuất phát từ Queenstown và kết thúc ở Christchurch

Ban đầu Kịt chọn opt 1 vì định đi vào mùa hè (tức dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam). Vào mùa này ngày ở New Zealand dài như bên châu Âu, nhiều thời gian đủ để bạn khám phá trọn vẹn cả cung đường vòng tròn. Đó cũng là lý do mà mình đã xin visa từ tận tháng 9 năm ngoái. Thế nhưng có visa xong, ngồi bắt tay search vé máy bay thì ngã ngửa đúng nghĩa vì vé đắt dã man khủng khiếp (cứ gọi là ít nhất 60 củ mỗi người :((((. Mùa hè là mùa du lịch cao điểm ở New Zealand nên mọi chi phí đều bị độn lên 30 thậm chí 40%, chưa kể mãi giữa tháng 11 mình mới có kết quả visa nên lúc bắt đầu booking thấy cái gì cũng như giá trên trời.

Mùa thu của đảo Nam đẹp đến không thốt thành lời!!!

Cuối cùng vì lý do tài chính mà mình đã chuyển chuyến đi sang tháng 4, vừa là mùa thu siêu lãng mạn mà cũng trùng dịp nghỉ lễ dài 30/4. Đi vào tầm này thì thiên nhiên đẹp không bút nào tả xiết, lá vàng lá đỏ làm bức tranh phong cảnh của đảo Nam nâng lên một tầm chân kinh :)) Tuy nhiên thời điểm này ngày tại New Zealand khá ngắn. 7g30 mới bình minh và tầm 6h hơn mặt trời đã lặn (thậm chí những ngày cuối mình về từ Christchurch 5g30 đã hoàng hôn).

Ngồi suy đi tính lại hỏi lời khuyên chán chê của mọi người trên các group du lịch, Kịt đã chốt lại như sau:

– Arthur pass và West Coast đường dài và cũng không quá đặc sắc nếu chỉ chạy xe ngắm cảnh. Muốn cảm nhận được những thứ hay ho phải đi track, mà mạn này thì khỉ ho cò gáy ít nơi nghỉ lưu trú, sẽ phù hợp với các bạn campervan hơn.

– Hai đứa mới bay sang New Zealand còn bị ảnh hưởng của lệch múi giờ (nhanh hơn Việt Nam 5 tiếng), chưa quen lái trái, thời gian đi trong ngày không nhiều do ngày ngắn mà một phát triển luôn mạn West Coast đường trường + đèo dài, người cầm lái thì chỉ có một nên khó đảm bảo về sức khoẻ.

– Muốn dành thêm nhiều thời gian để tận hưởng mùa thu vàng tại đảo Nam (vàng bốn số 9 đúng nghĩa luôn lol). Kiểu du lịch thong thả, chậm rãi kết hợp nghỉ ngơi mới đúng là phong cách từ trước đến nay của Kịt dẹo.

19 ngày rong ruổi đủ giúp bạn nhìn thấy mùa thu từ lúc còn vàng ươm lá đến khi đồng loạt tàn khỏi cây

Chính vì những lý do trên mà cuối cùng Kịt đã đổi lịch trình sang opt 2, đến từ Queenstown về từ Christchurch với chi tiết như sau:

Ngày 1 & 2 (16,17/04) Bay từ Hà Nội đi Queenstown (transit tại Hongkong và Auckland). 5g chiều ngày 17/04 mới có mặt tại Queenstown. Bắt taxi về trung tâm thành phố, check in khách sạn, đi ăn tối. Về đến nơi thì trời cũng bắt đầu tối mịt.
Ngày 3 (18/4) Khám phá Queenstown vào thời điểm peak nhất của mùa thu.
LINK BÀI REVIEW QUEENSTOWN
Ngày 4 & 5 (19, 20/4) Đi Milford Sound. Đặt tour của Real NZ trọn gói đưa đón và ngủ đêm trên cruise. Ngày hôm sau quay lại Queenstown.
LINK BÀI REVIEW MILFORD SOUND
Ngày 6 (21/4) Ra sân bay Queenstown nhận xe ô tô của GO Rentals. Đi Glenorchy trong ngày.
LINK BÀI REVIEW GLENORCHY
Ngày 7 (22/4) Khám phá vùng Central Otago trong ngày. Tuy nhiên nghe đồn Arrowtown đã vào thời điểm mùa thu peak nhất, hôm ấy trời lại siêu nắng đẹp nên buổi sáng có ghé vào thăm Arrowtown.
LINK BÀI REVIEW CROMWELL
Ngày 8 (23/4) Lêu hêu nốt Queenstown với con đường đi bộ ven hồ chạy dọc đến tận Queenstown trail. Hôm ấy dự báo chiều muộn có mưa nên 4g hai đứa về lại khách sạn nghỉ ngơi dưỡng sức sau hơn 1 tuần di chuyển. Zai mở máy tính chơi game còn Kịt ngồi vườn ngắm hồ xem Blackpink trực tiếp diễn Coachella =)))
Ngày 9 (24/4) Check out khách sạn ở Queenstown, di chuyển đến cottage ở Arrowtown. Hôm ấy Arrowtown trời xầm xì không đẹp, trong khi Wanaka dự báo nắng tưng bừng. Nhanh trí gửi đồ lại ở cottage phi xe thăm thú luôn Wanaka với cây cô đơn và hồ Wanaka xinh đẹp. Chiều tối quay lại Arrowtown. 
LINK BÀI REVIEW WANAKA
Ngày 10 (25/4) Hôm nay là ngày cuối cùng của Festival mùa thu tại Arrowtown, cũng là ngày nghỉ lễ ANZAC của Úc và New Zealand nên hầu hết  hàng quán đóng cửa đến 1g chiều. Sáng nghỉ ngơi tại cottage, chiều vào trung tâm thị trấn Arrowtown thăm thú.
LINK BÀI REVIEW ARROWTOWN
Ngày 11 (26/4) Hôm nay trời nắng đẹp tưng bừng, đi chụp ảnh nốt mùa thu vàng của Arrowtown (khu Milbrook resort, khu phố trung tâm Buckingham, điểm lookout…) sau đó lên xe về lại Wanaka. 
Ngày 12 (27/4) Trời đẹp tưng bừng, đi chinh phục Roys Peak Track. Đọc review bảo trung bình hết 6 tiếng cả lên lẫn xuống mà nhà cháu dềnh dàng chụp ảnh mất tận 7 tiếng mới chinh phục xong.
LINK BÀI REVIEW ROYS PEAK TRACK
Ngày 13 (28/4) Người ngợm bắt đầu ê ẩm sau buổi leo Roys Peak Track, quyết định lên xe đi cung Blue Pools Track, trải nghiệm một phần mạn West Coast. So với ngày hôm qua thì Blue Pools Track cũng như thong dong bách bộ mà thôi =))
LINK BÀI REVIEW BLUE POOLS TRACK
Ngày 14,15 (29,30/4) Từ Wanaka đi Aoraki / Mount Cook. Hôm sau đi Hooker Valley track nổi tiếng nhất tại Mt Cook.
LINK BÀI REVIEW MT COOK
Ngày 16 (1/5) Check out khách sạn Hermitage tại Mt Cook, chạy xe về Tekapo Lake.
LINK BÀI REVIEW TEKAPO
Ngày 17 (2/5) Chạy xe Tekapo Lake về Christchurch.
LINK BÀI REVIEW CHRISTCHURCH
Ngày 18 (3/5) Đi bộ khám phá Christchurch. Tối ra sân bay về Việt Nam (transit tại Auckland và Sin)
Ngày 19 (4/5) Có mặt tại sân bay Nội Bài

Lịch trình trên của Kịt thuộc hàng cực kỳ thong dong thư thái, đúng kiểu ngủ đủ, không phải dậy sớm, có những ngày thời tiết mưa nhỏ không ủng hộ thì kê ghế ngồi ngắm núi ngắm hồ một cách thật chill. Với thời gian 16 ngày (bỏ qua 3 ngày bay), chắc nhiều người đã có thể đi hết 1 vòng đảo Nam chứ không phải chỉ từng ấy địa điểm như Kịt.

Nhưng Kịt không hề hối hận với lựa chọn của mình, bởi luôn quan điểm đi ít mà đẹp, enjoy vẫn hơn đi nhiều mà chưa thấy đã. Đó cũng là lý do mà mình cũng chỉ lựa chọn đảo Nam, bỏ qua đảo Bắc, bỏ qua luôn cả Úc dù mình chưa từng đến Úc (bạn bè mình vẫn hỏi sao không ghé vào Úc coi như đi thêm được 1 nước nữa, mà thật ra tui hông có nhu cầu phải đặt mục tiêu đi càng nhiều quốc gia càng tốt ~~ ).

Lịch trình siêu thảnh thơi nên Kịt có thể dừng chân tạt ngang tạt ngửa ở tất cả những đoạn đường road trip

Nhờ lịch trình dài này mà các bạn sẽ thấy ảnh của mình chụp hầu như đều là những ngày nắng đẹp (ngày xầm xì tui ra hồ ngồi chill rồi). Trước lúc lên đường nhìn cái dự báo ngày nào cũng có mưa làm người em gái An Nam buồn đến thối gan thối ruột, bởi tới những nơi thuần chất thiên nhiên thế này thời tiết sẽ quyết định đến 7-80%. Cuối cùng nhờ tổ du lịch độ mà sang đó trời hầu như nắng đẹp (đâu đó có 2-3 ngày xầm xì mưa nhỏ mà không phải những ngày đi chính).

Đặc biệt may mắn nhất là hôm ở Mt Cook vì nghe mọi người nói mùa thu khá ít ngày trời xanh nhìn thấy rõ núi tuyết như đúng ngày mình đi. Một lần nữa Kịt xin chắp tay cảm ơn tổ du lịch đã yêu thương đứa cháu ham chơi, đứa cháu đã lặn lội bay cả vòng trái đất để đến thăm hòn đảo xinh đẹp này!!!

Còn bây giờ, mời cả nhà đọc tiếp các bài sau với phần review chi tiết về những điểm mình đã tới nhé!

Hành trình du lịch đảo Nam New Zealand 04/2023:
P1: Queenstown – Thị trấn của nữ hoàng
P2: Milford Sound – kỳ quan thứ 8 của nhân loại
P3: Glenorchy & Cromwell rực rỡ ngày thu
P4: “Thị trấn vàng” Arrowtown
P5: Trải nghiệm Wanaka – Roys Peak Track – Blue Pools Track
P6: Aoraki / Mount Cook – nơi núi tuyết huyền thoại
P7: Những ngày ở Tekapo Lake & Christchurch

Kia Ora, New Zealand <3

You Might Also Like...