TRIP WITH KIT
Châu Á Tân Cương Trung Quốc

Du lịch Tân Cương: Kỳ 1 _ Tổng hợp những lưu ý & kinh nghiệm cần thiết

Đây là một Tân Cương không có hồ Kanas, không có làng Hemu, không có thảo nguyên Nalati.

Đây là một Tân Cương không phải vào mùa hè xanh non của đồng cỏ, cũng không phải vào những ngày thu ngập trong sắc lá đỏ vàng.

Kịt đã đến Tân Cương vào những ngày bình thường nhất như thế. Nhưng mình đã được chọn những nơi bình yên và vắng vẻ, những điểm đến không bị (hoặc chưa bị?) du lịch hóa, thương mại hóa – cái yếu tố đang khiến Bắc Tân Cương dần mất chất trong mắt những du khách – kiểu – như – mình. Vậy nên trải nghiệm trong cả chuyến đi của Kịt may mắn là dễ chịu và thong thả, đúng với style du lịch từ trước đến nay của bản thân.

Bài viết có 4 kỳ:
Du lịch Tân Cương: Kỳ 1 _ Tổng hợp những lưu ý & kinh nghiệm cần thiết
Du lịch Tân Cương: Kỳ 2 _ Thủ phủ Urumqi & Turpan trên Con đường Tơ Lụa
Du lịch Tân Cương: Kỳ 3 _ Thảo nguyên Qiaxi & Hồ ngọc Zhaosu
Du lịch Tân Cương: Kỳ 4 _ Hồ Sayram ngọc ngà & Yining rực rỡ

Tân Cương không chỉ có thiên nhiên rộng lớn. Tân Cương còn rất đáng yêu ở những góc phố đậm chất văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ như thế này

Có chăng, nếu thiên nhiên Bắc Tân Cương chưa đủ làm Kịt sững sờ và wow, thì đó là bởi Kịt đã từng tới những nơi còn hoang sơ hùng tráng hơn thế. Chứ bản chất Tân Cương vẫn rất đẹp. Chỉ là nếu bạn muốn được trải nghiệm Tân Cương một cách tròn vẹn và đầy đủ nhất, hãy dành thời gian để hiểu nhiều, hiểu sâu và hiểu kỹ về hành trình tới mảnh đất này.

Tổng hợp những lưu ý quan trọng cho chuyến đi tại Bắc Tân Cương

– Khoảng 1 năm trở lại đây, Tân Cương (mà đặc biệt là mạn phía Bắc) bùng nổ về du lịch. Không chỉ riêng người Trung Quốc đổ xô về Tân Cương mà chính tại Việt Nam cũng sốt xình xịch các tour đến vùng đất tự trị này. Vậy nên một điều tất lẽ kéo theo là Tân Cương đang dần bị “Hán hóa” và đáng buồn hơn là “đại trà hóa”. Có những người đi về và than thở về việc phải xếp hàng gần 2 tiếng trong mùa cao điểm để được vào thăm hồ Kanas, hay ôm đầu về chi phí trên trời khi ngủ qua đêm ở những nơi quá nổi tiếng kiểu làng Hemu.

Bởi vậy nếu bạn muốn được trải nghiệm một chuyến đi không ồn ào xô bồ, hãy quyết đoán và dũng cảm bỏ đi tất cả những điểm đông du khách đó. Tân Cương rộng gấp 5 lần Việt Nam nên đừng nghĩ rằng chưa tới Hemu, Kanas hay Nalati là chưa tới được Tân Cương. Ở đây vẫn còn vô vàn những điểm đến đủ đẹp để khiến bạn nao lòng, thổn thức. Một ví dụ nho nhỏ, không có Nalati thì vẫn còn rất nhiều những thảo nguyên hoang sơ vắng vẻ như Kalajun, Qiaxi hay Qiongkutai.

Chuyến đi này Kịt đã lựa chọn thảo nguyên Qiaxi thay vì đến những nơi rất đông du khách như Nalati

– Tân Cương cũng như hầu hết các địa danh khác là có mùa peak du lịch. Và tùy từng thời điểm để lựa chọn những điểm tham quan phù hợp nhất. Nếu bạn đi vào mùa hè tháng 6, tháng 7 và chuyến đi chỉ vỏn vẹn 8-9 ngày, hãy dành nhiều thời gian cho những vùng thảo nguyên và đừng cố đấm ăn xôi chạy xe mười mấy tiếng đồng hồ để mò lên mạn phía Bắc có Kanas hay Hemu chỉ để chụp vài bức ảnh check-in. Để dành những điểm đó vào mùa thu (tầm cuối tháng 9, đầu tháng 10) bởi hai nơi này xứng đáng đi nhất vào giai đoạn lá chuyển màu vàng đỏ (nhưng nhắc lại, vẫn sẽ cực kỳ cực kỳ đông nhé).

– Như ở trên Kịt có chia sẻ, Tân Cương rộng gấp 5 lần Việt Nam và các điểm tham quan chính hầu hết cách nhau từ xa đến rất xa. Nhanh thì khoảng 3-4 tiếng xe chạy, lâu thì 6-7 tiếng và rất lâu cũng có thể lên đến 10-12 tiếng. Vậy nên xây dựng một lịch trình hợp lý chính là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để quyết định trải nghiệm chuyến đi của bạn.

Đừng tham, đừng tham và đừng tham! Đấy là lời khuyên quan trọng nhất Kịt muốn gửi đến những ai đang có kế hoạch tới thăm vùng đất này. Đừng để cả hành trình chỉ là ngồi trên xe ngắm mọi thứ qua ô cửa mà không có nổi thời gian bước xuống, sờ vào, hít lấy và cảm nhận cái khung cảnh thiên nhiên mỹ miều của Tân Cương.

Tân Cương cũng giống như những nơi chuyên đi road trip khác. Đôi khi cung đường đi mới là điểm nhấn của cả cuộc hành trình

– Nếu muốn trải nghiệm về thiên nhiên đa dạng, bạn có thể lựa chọn mạn Bắc Tân Cương. Nhưng nếu muốn tận hưởng nét đẹp giao thoa văn hóa đặc sắc của một vùng đất từng là trái tim trên Con Đường Tơ Lụa cổ đại, Nam Tân Cương với địa khu Kashgar chắc chắn sẽ hấp dẫn bạn nhiều hơn.

Cánh đồng hoa rực rỡ tại hồ Sayram, Tân Cương

Chuyến đi này Kịt chưa đủ thời gian đặt chân đến mạn Nam Tân Cương, nhưng nhất định sẽ hẹn ngày quay lại và hy vọng lúc ấy Kashgar hay những vùng đất khác phía Nam chưa bị du lịch hóa như mạn phương Bắc.

– Hình ảnh trên mạng về Tân Cương, đặc biệt những vùng nổi tiếng đông du khách ảo hơn rất nhiều so với thực tế bên ngoài. Núi tuyết, hồ xanh, đồng cỏ nhiều hoa, có đấy nhưng bạn phải đi đúng thời điểm là tầm đầu tháng 6. Còn như tầm tui đi (cuối tháng 8) là hoa tàn cỏ cháy tuyết tan =)) Nhưng nếu bạn đón nhận Tân Cương với một tâm lý đi để tận hưởng chứ không phải chỉ “nuôi con ảnh sống ảo” thì tốt rồi, bạn sẽ thấy Tân Cương vẫn đẹp giống Kịt mà thôi (bonus thêm là thời tiết thuận lợi trời nắng nhé chứ thiên nhiên có đẹp mấy mà trời mù trời mưa thì cũng não cả nề).

– Do được chú trọng phát triển về du lịch trong khoảng 1-2 năm trở lại đây nên Bắc Tân Cương khá tiện nghi về nơi ăn chốn ở. Đặc biệt tại Trung Quốc, hotel/hostel muốn nhận khách nước ngoài phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định nên phần lớn chỗ mình ở trong hành trình đều khá ưng ý. Từ hotel trong thành phố, nhà trọ trong thị trấn, nhà gỗ giữa cánh đồng lúa cho tới cả container nơi thảo nguyên, cảm nhận chất lượng đều ở mức ổn đến rất rất ổn.

À note thêm là WC công cộng – nỗi kinh hoàng của du khách Việt mỗi khi du lịch mẫu quốc Tung Của thì trộm vía ở Tân Cương lại rất okela nhé (trừ mỗi khu vực hồ Sayram hơi “dậy mùi” chút thôi =))). Xì tai thì vẫn là xí xổm nhưng được cái sạch sẽ chấp nhận được.

Hầu hết những chỗ ở của Kịt trong chuyến đi lần này đều vô cùng xinh xắn

– Đi Tân Cương thì chắc chắn phương tiện di chuyển giữa các vùng phải là ô tô. Kịt thì gần như không biết tiếng Trung nên chuyến đi này mình book private tour qua 1 công ty du lịch. Bên đó lo phần visa, booking khách sạn, tìm tour guide lái xe đồng hành với mình. Cả chuyến đi mình giao tiếp với chị local guide bằng phần mềm translate và wechat (trên wechat có phần translate nên bả cứ nói tiếng Trung mình cứ nói tiếng Anh mà đôi bên vẫn hiểu thấu lòng nhau =)), nhìn chung là vẫn trôi chảy thuận tiện. Về lịch trình thì mình gần như là người quyết định hết dưới sự tư vấn của công ty (và thực tế lúc đang đi rồi mình vẫn thay đổi nhằm đạt được trải nghiệm theo yêu cầu của cá nhân nhất).

Khu vực quanh hồ Zhaosu – một trong những điểm đến phát sinh mới trong cuộc hành trình nhưng lại là nơi mà Kịt thích nhất

– Một số thông tin khác bạn có thể tham khảo:

+ Hiện tại do Tân Cương được chú trọng phát triển về du lịch nên nhập cảnh vào thủ phủ Urumqi không còn gắt gao như hồi trước. Chỉ cần có visa Trung Quốc là bạn được “mẫu quốc” dang tay chào đón rồi :)) Tuy nhiên ở một số vùng đặc khu phía Nam vẫn cần giấy thông hành riêng biệt.

+ Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở Tân Cương khá lớn. Đặc biệt hôm nào trời mây mù không nắng hoặc mưa thì có thể rất lạnh về chiều tối. Đơn cử như đợt Kịt đi, đang từ 45 độ ở Hỏa Diệm Sơn mạn Turpan thì về tới thảo nguyên Qiaxi xuống luôn 7 độ =)))

+ Tân Cương ngày lúc nào cũng dài, cuối tháng 8 Kịt đi mãi tận 9g hơn mới sunset (tìm hiểu thì mùa đông cũng phải 8g mới hoàng hôn) nên bạn sẽ có rất nhiều thời gian để chơi bời, rong ruổi.

+ Tân Cương tưởng vùng cao khu tự trị mà bà con vẫn hiện đại hóa thanh toán hết qua wechat hoặc alipay rồi. Cả chuyến đi Kịt không đổi một đồng tiền mặt nào (thật ra cũng vì ỷ có chị local guide đi cùng, có vấn đề gì nhờ chị thanh toán hộ). Hết tiền trong alipay lại nháy cho công ty tour ở nhà “bơm máu” tiếp =))

+ Đồ ăn Tân Cương không quá ấn tượng với mình, đặc sản chủ yếu là thịt cừu, gà, bò với cái mùi gia vị cay nồng mà mỗi lần ăn xong cảm nhận được cả độ tê tê rung rung của môi và lưỡi =)). Nói chung là không quá kỳ vọng vào ẩm thực Tân Cương nên ăn uống theo kiểu không tha thiết mấy mà chả hiểu sao về Việt Nam đứng lên cân vẫn thấy tăng hẳn nửa ký lô :((

Đồ ăn Tân Cương, ăn được nhưng mà tui không có thích :(( Nói chung thua đồ ăn mạn Vân Nam của Lệ Giang, Shangrila

Lịch trình thực tế trong chuyến đi 11 ngày Bắc Tân Cương của Kịt

Chuyến đi của Kịt kéo dài từ 24/8-3/9/2024. Dù book private tour qua 1 công ty nhưng trước đó Kịt cũng đã đọc và tìm hiểu tương đối nhiều về mạn Bắc Tân Cương. Đấy là lý do mà rất nhiều điểm đến các công ty du lịch Việt Nam lẫn Trung Quốc khai thác đã bị tui mạnh dạn loại bỏ vì lý do “ảo” (ví dụ Vịnh ngũ sắc). Và thậm chí ngay cả khi hành trình đang diễn ra, Kịt cũng thay đổi đáng kể với mục đích có được một chuyến đi thong rong, chậm rãi nhất. Lý do vì sao thì Kịt sẽ kể rõ trong phần review chi tiết tới đây.

Đối với Kịt, Tân Cương đẹp nhất lại là những nơi vắng vẻ ít du khách như thế này…

Còn dưới đây là 2 lịch trình theo plan và lịch trình thực tế của Kịt để bạn tham khảo:

Lịch trình ban đầu Lịch trình thực tế
Ngày 1 Chiều bay từ Hà Nội đi Urumqi. Nhập cảnh và transit tại Thành Đô 12 tiếng nên nghỉ đêm tại 1 khách sạn gần sân bay Thành Đô.
Ngày 2 12 trưa bay đến Urumqi. Di chuyển về thành phố Turpan (Thổ Lỗ Phồn) hết 3 tiếng. Tham quan Bảo tàng Turpan và Thành cổ Cao Xương. Đêm nghỉ tại khách sạn ở Turpan.
Ngày 3 Thăm quan Hỏa Diệm Sơn và Thiên Phật Động Bezeklik. Sau đó chạy xe rời Turpan về lại Urumqi. Chiều tối chơi ở Chợ Phiên Ba Tư hay còn gọi là Chợ Lớn Urumqi. Đêm nghỉ tại khách sạn Urumqi.
Ngày 4 Chạy xe từ Urumqi về thị trấn Nalati. Trên đường đi ghé thăm Hẻm Núi Dushanzi (Độc Sơn Tử), sau đó chạy thẳng đường quốc lộ Duku – một trong những cung đường cảnh sắc đẹp nhất Tân Cương. Ngày hôm nay mất 9 tiếng đồng hồ để tới được thị trấn Nalati. Ngủ đêm tại thị trấn.
Ngày 5 Từ thị trấn Nalati chạy thẳng xe về cao nguyên Qiaxi hết hơn 3 tiếng. Chơi và nghỉ đêm tại Qiaxi
Ngày 6 Từ Qiaxi chạy xe về thành phố Yining hết 4,5 tiếng. Thăm quan làng dân gian Kazanqi. Sau đó chạy xe về hồ Sayram hết 2,5 tiếng. Nghỉ đêm tại thị trấn cạnh hồ.  Từ Qiaxi chạy xe về Zhaosu hết 4 tiếng. Buổi trưa ghé thăm thành phố Bát Quái Tekes. Hôm nay trời mưa nên nghỉ ngơi tại homestay nhà gỗ nằm giữa cánh đồng lúa tại Zhaosu.
Ngày 7 Chơi ở hồ Sayram. Sau đó chạy xe 7 tiếng về thành phố Urho (trên đường đi ghé thăm thành ma quỷ Urho – nơi quay phim “Ngọa hổ tàng long”). Nghỉ đêm tại thành phố. Thăm quan hồ Ngọc Zhaosu. Sau đó chạy xe 4 tiếng về lại Yining, đi qua cung đường Yizhao – một trong những cung đường đẹp nhất tại Tân Cương. Buổi tối thăm quan chợ đêm tại Six Star Street – một con phố rất đáng yêu nhộn nhịp tại Yining. Ngủ đêm trong thành phố Yining.
Ngày 8 Di chuyển 6 tiếng về Kanas. Xếp hàng và vào thăm quan Kanas. Buổi đêm nghỉ tại lều trong khu Kanas. Thăm quan làng dân gian Kazanqi. Sau đó chạy xe 2,5 tiếng về hồ Sayram. Trên đường đi ghé qua cầu Guozigou – biểu tượng kiến trúc mới của Tân Cương. Chiều tối dành thời gian khám phá toàn bộ hồ Sayram. Nghỉ đêm tại thị trấn cạnh hồ.
Ngày 9 Tiếp tục hành trình chạy xe 3 tiếng về làng Hemu. Nghỉ ngơi và ngủ qua đêm trong làng. Di chuyển từ hồ Sayram về lại thị trấn Shawan nghỉ đêm (4 tiếng di chuyển) _ trên đường ghé tham quan hẻm vực Anjihai.
Ngày 10 Sáng dạo chơi ở Hemu sau đó chạy xe 10 tiếng về lại Urumqi. Ngủ đêm tại Urumqi Chạy xe 2,5 tiếng từ Shawan về Urumqi. Đi mua sắm các thứ trước khi về lại khách sạn nghỉ ngơi.
Ngày 11 Bay về Hà Nội, Việt Nam Bay về Hà Nội, Việt Nam

Với lịch trình ban đầu, quãng đường lên đến sơ bộ hơn 3200km và đi rất xa lên mạn phương Bắc có làng Hemu cùng hồ Kanas

Lịch trình Kịt đã thay đổi (vâng tui đã thay đổi giữa chừng của chuyến đi luôn), tổng quảng đường rút xuống còn hơn 2000km thôi và bạn sẽ bỏ qua toàn bộ mạn phía Bắc

Kịt chia sẻ cả 2 hành trình để các bạn có sự so sánh. Nếu lịch trình ban đầu sẽ phải ngồi xe liên tục (có những ngày hơn 10 tiếng) nhằm đảm bảo lên được cả mạn phương Bắc như Kanas, Hemu thì lịch trình thứ hai điểm xa nhất chỉ là mạn hồ Sayram và trung bình mỗi ngày chỉ đi xe 4 tiếng (trừ ngày thứ 4 đi thẳng từ Urumqi lên Nalati hơi vất vả).

Nếu bạn đã từng đọc blog của Kịt cũng như biết đến phong cách vừa dẩm vừa rề rà của mình thì sẽ hiểu vì sao giữa chừng Kịt đổi lại toàn bộ kế hoạch và mạnh dạn cắt bỏ Kanas và Hemu. Vẫn luôn là tôn chỉ: Đi ít mà đẹp, enjoy vẫn hơn đi nhiều mà chưa thấy đã!

Còn bây giờ, mời bạn tới với nhật ký hành trình chuyến đi 11 ngày của Kịt (24/8-3/9/2024) tại mạn Bắc Tân Cương!

Review chi tiết về hành trình trải nghiệm của Kịt

Ngày 1-3: Thủ phủ Urumqi & Turpan trên Con đường Tơ Lụa

Ngày 4-7: Hẻm núi Độc Sơn Tử (Dushanzi); Thảo nguyên Qiaxi & Hồ ngọc Zhaosu

Ngày 7-11: Thành phố Yining; Hồ Sayram và Hẻm Anjihai

You Might Also Like...