Trung Quốc có thể không phải là nơi đẹp nhất trong những nơi Kịt từng đặt chân đến. Nhưng có một điều chắc chắn là chuyến đi Tung Của nào cũng có rất nhiều điều đáng nhớ để mình có thể về kể lại trên trang blog cá nhân. Có lẽ vì sự khác biệt ngôn ngữ tại “mẫu quốc” mà những hành trình tại đây luôn có vô số kỉ niệm, đặc biệt là kỉ niệm dở khóc dở cười :))
>>> Kỳ trước: Tổng hợp những lưu ý & kinh nghiệm cần thiết
Ngày 1-3: Hà Nội – Turpan – Urumqi
Turpan (Thổ Lỗ Phồn)
Cả chặng đi và về Kịt đều transit ở Thành Đô trước khi bay đến Tân Cương. Khoảng tầm 8g tối ngày đầu tiên, hai đứa đã có mặt ở sân bay Thành Đô, làm thủ tục nhập cảnh tương đối nhanh chóng. Sau 5 năm mới quay trở lại Tung Của, ấn tượng đầu tiên là các nhân viên ở sân bay mẫu quốc (không chỉ Thành Đô mà còn ở Urumqi) đều trai xinh gái đẹp trẻ trung, thậm chí 1 số em còn giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Anh (nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh).
Có tận 12 tiếng tại Thành Đô nên Kịt thuê một chiếc hotel gần sân bay ngủ qua đêm cho tiện di chuyển. Trong cả 4 chặng (tính cả đi và về), Kịt đều bay của hãng Sichuan Airlines – một hãng hàng không có rất nhiều chuyến bay đến Tân Cương. Tiếp viên nữ thì da trắng, cao ráo, xinh đẹp. Tiếp viên nam thì vô cùng cao ráo và vô cùng xinh đẹp =))) Nhìn chung là cả chuyến đi lần này tui rất hảo cảm với dung nhan của giới trẻ Trung Quốc, thật xứng danh là mảnh đất của những thứ tổng tài, ngôn tình :)))
Khoảng 12g trưa ngày thứ 2, Kịt đã có mặt ở thủ phủ Urumqi. Chị Ling – local tour guide – người đồng hành cùng Kịt trong cả hành trình đã chờ đón sẵn. Đến giờ vẫn chưa hỏi Ling bao nhiêu tuổi nhưng vẻ soái tỉ cool ngầu cộng thêm phong cách lái xe gấu chó chuyên phóng nhanh đỗ láo của Ling đã khiến tui dù 36 xuân xanh vẫn chấp nhận gọi Ling là chị =)))
Ling mang theo một cái bảng ghi tên công ty tour để hai bên dễ nhận diện, nhưng vì biển ghi bằng ngôn ngữ Latin không phải Hán tự nên ngay lập tức cảnh sát Tung Của đã có mặt truy hỏi và yêu cầu chị gái phải vứt bỏ tấm biển ấy đi ;__;. Chắc là tại đây cái gì cảnh sát không đọc được không dịch được thì auto liệt vào hàng biểu ngữ phản động đúng theo tinh thần thà giết nhầm còn hơn bỏ sót ;__; Còn chưa đặt chân ra khỏi sân bay đã cảm nhận rõ vùng đất tự trị Tân Cương bây giờ đã được “mẫu quốc” siết quân luật như thế nào.
Lịch trình ngày hôm nay là cả nhóm sẽ di chuyển về thành phố Turpan (Thổ Lỗ Phồn) cách Urumqi 3 tiếng chạy xe. Nằm ngủ vắt lưỡi cho tới khoảng 4g kém, Kịt đã tới khách sạn ở Turpan.
Vừa bước chân ra khỏi xe, ôi cha mẹ ơi cái thời tiết thần thánh tại Urumqi 25 độ đã tan biến, để lại một làn hơi gần 45 độ hầm hập khiến Kịt thở không ra hơi. Cách có mấy tiếng chạy xe thôi mà sự thay đổi nhiệt độ kinh khủng khiếp vậy đó. Mà cuối tháng 8 đã là giai đoạn cuối hè, chứ vào tháng 6 tháng 7 nhiệt độ tại đây có thể lên đến hơn 50 độ, mẹ cha ơi ai có đủ sức tham quan cái thành phố đổ lửa này vào lúc ấy :((
Tất tả chạy vào khách sạn để tận hưởng điều hòa, Kịt làm thủ tục nhận phòng dưới sự hỗ trợ của chị Ling (100% là Ling làm giúp vì nhân viên ở đây không ai nói được tiếng Anh 🙁 ). Mất thêm khoảng 30 phút tân trang mặt mũi sau 1 ngày dài di chuyển để lấy lại thể hiện cho dung mạo người con gái An Nam, Kịt chính thức bắt đầu chuyến hành trình khám phá những điểm đến tại Turpan. Vào mùa này, 9g hơn mặt trời mới bắt đầu lặn nên mình vẫn còn tận 5 tiếng để tham quan 2 điểm gồm Bảo tàng Turpan và Thành Cổ Giao Hà.
Bảo tàng Turpan
Cách khách sạn chỉ tầm 5 phút chạy xe, Kịt đã có mặt tại Bảo tàng Turpan – nơi đưa ta ngược dòng lịch sử để bắt đầu chuyến đi tìm hiểu vùng Tây Bắc Trung Hoa – một mảnh đất có sự pha trộn đầy hấp dẫn về văn hóa và lịch sử. Trước khi đi sâu tìm hiểu về những thứ trưng bày trong bào tàng, Kịt cũng muốn nói một chút về thành phố Turpan.
So với những điểm đến nổi tiếng tại Tân Cương như thảo nguyên hay hồ nước, Turpan với màu vàng hoang phế của di tích và sa mạc không phải địa danh được nhiều du khách chú ý. Nhưng vốn là người có sự hứng thú đặc biệt với Con đường Tơ Lụa, Kịt đã lựa chọn thành phố này – một nơi từng là thị trấn quan trọng trên tuyến đường cổ đại và đầy vĩ đại đó.
Vào khoảng hơn 2000 năm trước, Turpan là một chốn phồn hoa đô hội, một ốc đảo xanh tốt giữa lòng sa mạc với nườm nượp những doanh nhân buôn bán người qua kẻ lại. Chính vai trò là một trung tâm giao thương mà Turpan đã chứng kiến sự giao thoa văn hóa của rất nhiều tôn giáo như Phật giáo, Hồi giáo và Đạo giáo.
Bảo tàng Turpan là nơi ghi dấu rõ nét nhất về giá trị lịch sử cũng như giá trị văn hóa của vùng đất huyền thoại này. Tòa nhà 3 tầng trưng bày rất nhiều thành quả khảo cổ được tìm thấy tại chính Turpan, nổi bật trong số đó là những xác ướp có niên đại hàng nghìn năm và hóa thạch của vô số loài động vật cổ đại – bao gồm cả khủng long. Ấn tượng nhất tại đây là 1 căn phòng nằm ở tầng 2 – nơi đủ sức khiến bạn choáng ngợp khi được chứng kiến tận mắt bộ khung xương nguyên vẹn đến hoàn mỹ của một số loài khủng long và tê giác cổ đại.
Bên cạnh đó, dòng chảy lịch sử tại Bảo tàng còn hằn in trên từng di tích, cổ vật – những “vật chứng” chứng kiến một thời kỳ từ lúc hưng thịnh đến khi sụp đổ của Con đường Tơ Lụa. Chúng sẽ kể bạn nghe về những câu chuyện xa xưa huyền bí, những câu chuyện minh chứng cho thời kỳ vàng son, huy hoàng giờ chỉ còn là tàn tích.
Đặc biệt nhất, nơi đây còn trưng bày bức tượng Phật và bức tường bích họa nguyên vẹn được lấy trực tiếp từ Thiên phật động Bezeklik – một trong những điểm đến thuộc hàng “must go” tại Turpan. Một chút nữa khi tới phần viết về Bezeklik, Kịt sẽ lý giải kỹ hơn về giá trị của di tích lịch sử này.
Nhìn chung, sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để tham quan và tìm hiểu “tạm gọi là sơ bộ” về Bảo tàng Turpan trước khi bắt đầu di chuyển đến những địa danh nổi tiếng khác. Đó cũng sẽ là lúc những câu chuyện, những huyền thoại mà Kịt vừa nhìn thấy qua ô cửa kính của Bảo tàng hiện hữu ngay trước mắt, dẫu cho đấy cũng chỉ là tiếng vọng hồi từ quá khứ hơn 2000 năm xưa.
Thành Cổ Giao Hà
Tại Turpan có hai thành cổ quan trọng nhất là thành cổ Giao Hà và thành cổ Cao Xương. Kịt lựa chọn Giao Hà vì gần đây, Turpan bắt đầu mở cửa cho tham quan thành cổ này vào buổi tối để du khách có thể tránh được cái nóng thiêu đốt vào ban ngày. (Nhưng cuối cùng lúc tui rời Giao Hà rồi mặt trời vẫn còn chưa buồn lặn ~ ).
Tới thăm những di tích – hay đúng hơn là phế tích – như thế này, Kịt cũng xác định tất cả những gì còn sót lại không gì hơn …. một đống đổ nát. Giống như hồi đi thăm Công trường La Mã (Roman forum) hay Công trường Hoàng đế (Imperial forum) tại thủ đô Rome, rất nhiều công trình hoành tráng xa xưa giờ đây chỉ còn lại đúng vài viên gạch nền móng. Thế nhưng Kịt lại đặc biệt có tình yêu với những thứ vương tàn hoang phế đó, bởi đâu đấy vẫn là cảm giác được đến tận nơi, được nhìn tận mắt để sau đó tự “thôi miên” bản thân rằng mình đã phần nào chạm được vào một phần quá khứ huy hoàng của nhân loại.
Từ trung tâm Turpan, bạn sẽ đi thêm khoảng 15km là tới thành cổ Giao Hà. Hai bên đường chủ yếu là những ngôi nhà mang đậm kiến trúc Hồi giáo với dáng vẻ dung dị và bé nhỏ, nằm chơi vơi trên nền đất vàng khô ráp – thứ sắc màu lúc nào cũng gợi ra cảm giác hoang mạc cằn cỗi đặc trưng của vùng đất này.
Thông thường bạn sẽ mất khoảng 2-3 tiếng để tham quan trọn vẹn quần thể thành cổ. Sau khi mua vé, điểm đến đầu tiên là một bảo tàng nhỏ lưu giữ những cổ vật quý giá, những bản đồ và bảng thông tin cơ bản để du khách có cái nhìn tổng quan trước khi khám phá các tàn tích cổ.
Những bức tượng được trưng bày tại bảo tàng nằm trong Thành cổ
Thành cổ này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, là một trong những thành phố lớn nhất của vương quốc Cao Xương thời kỳ đó nhờ vào vị trí chiến lược trên Con đường Tơ Lụa. Tuy nhiên tới thế kỷ 14, cả thành cổ bị bỏ hoang một cách đầy bí ẩn. Một trong những giả thuyết được nhiều người tin nhất là Giao Hà đã gặp phải một trận đại dịch nhờ vào bằng chứng 200 quan tài của trẻ em từng được khai quật tại khu phía Tây của phế thành. Bên cạnh đó, có giả thuyết cho rằng người dân đã đồng loạt bỏ đi sau khi nguồn nước tại đây bị cắt đứt do thời tiết khắc nghiệt và nước sông cạn kiệt.
Sau khi đi hết khu vực bảo tàng, điểm đến tiếp theo – Kịt vẫn tự gọi chỗ này là “Làng Giao Hà” – phải di chuyển bằng xe buggy nội khu. Đến bây giờ ngồi viết lại những dòng này, Kịt mới nhận ra nơi này chính xác vẫn là một phần của khu bảo tàng, bởi tại đây chính quyền Trung Quốc đã gần như phục dựng kiến trúc, văn hoá, tín ngưỡng, nếp sinh hoạt của người dân cổ xưa.
Do khí hậu tại Turpan lúc nào cũng như thiêu như đốt nên hầu hết nhà ở tại Giao Hà đều được xây theo kiểu nhà hang/nhà hầm để người dân tránh nóng. Ngôi nhà có thiết kế nửa ở trên, nửa âm dưới đất, cùng với việc sân của các hộ gia đình thông với nhau khiến ngay dưới lòng đất hình thành nên rất nhiều những con đường, con ngõ nhỏ. Đi loanh quanh trong khu “Làng Giao Hà” này, dẫu cho 90% chỉ là phục dựng nhưng cũng đủ để Kịt tưởng tượng ra cuộc sống sinh hoạt thú vị của người dân cả nghìn năm về trước.
Sau khi tham quan xong “làng Giao Hà” và phần nào hiểu được về đời sống sinh hoạt của người dân cổ xưa, Kịt lại tiếp tục lên xe buggy để đi về khu vực chính: Khu phế tích thành Giao Hà. Ngay cửa ngõ vào thành là hai khối đất với hình dáng giống như hai tháp canh, đặt cạnh một phiến đá xi măng hiện đại in khắc những thông tin về thành cổ (mà tất nhiên không dành cho những người mù tiếng Trung – giống Kịt). Men theo lối đi đã được dựng sẵn cho du khách, cả một thành phố hiện dần lên trước mắt, với tất cả dinh thự, chùa chiền, đền đài, nhà cửa gần như chỉ còn là đống đổ nát.
Như có giải thích bên trên, nhà của Giao Hà đều xây dưới dạng nửa trên mặt đất nửa âm dưới hầm nên các công trình hầu như không có cửa sổ, có đúng cái hốc lớn để người dân đi vào bên trong. Các công trình ở đây đều được đắp bằng đất vàng, xung quanh rất ít bóng cây xanh. Đan cài trong hệ thống giao thông của thành cổ là rất nhiều những con ngõ ngoằn ngoèo chật hẹp, khiến du khách như lạc lối trong dòng thời gian của một đô thị thời cổ đại.
Thời điểm Kịt đến là gần cuối ngày, khi nắng chiều đang đổ dài trên từng khối kiến trúc và ôm dần lấy toàn bộ thành cổ. Cái cảm giác lúc đó, cảm giác nhìn thấy màu vàng óng của đất hoà quyện cùng màu vàng khắc nghiệt của hoang mạc xa xôi, phủ thêm màu vàng rộm của những tia nắng cuối cùng. Đó chính thực là cảm giác u tịch và hoài cổ , thêm chút gì đó tiêu điều thê lương khi được nhìn thấy hình hài đất trời thuở hồng hoang.
Vào năm 2014, thành cổ Giao Hà đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới
Lang thang ở phế thành môt lúc, Kịt lên lại xe buggy trở về cổng ra. Lúc này Turpan đã gần 9g tối nhưng trời vẫn còn khá sáng. Thời tiết ở Turpan cũng khá kỳ ảo, dù nhiệt độ vẫn còn tận 40 độ nhưng chỉ cần đi vào chỗ có bóng râm hoặc mặt trời dần tắt là không khí dễ chịu hơn rất nhiều (thậm chí không có gió cũng chẳng ra mấy mồ hôi). Kịt quay lại khu trung tâm thành phố, vào một khu chợ đêm ăn tối trước khi kết thúc ngày khám phá chính thức đầu tiên.
Hỏa Diệm Sơn
Sau một đêm ngủ rất rất ngon tại khách sạn Turpan – chiếc khách sạn mà Kịt đánh giá là xịn xò con bò nhất trong cả chuyến hành trình, Kịt lại pack đồ và lên xe ô tô di chuyển. Lịch trình ngày hôm nay là đi thăm Hỏa Diệm Sơn cùng Thiên Phật Động – hai địa danh nổi tiếng khác tại Turpan trước khi quay trở lại thủ phủ Urumqi để thăm phiên chợ Ba Tư.
Nhắc đến Hỏa Diệm Sơn, chắc chắn tất cả bà con đều có chung câu hỏi: Đây có phải Hỏa Diệm Sơn trong Tây Du Ký, nơi nổi tiếng với chiếc quạt Ba Tiêu của Bà La Sát (vợ Ngưu Ma Vương)? Câu trả lời là chính xác đó các bác ạ :)) Hỏa Diệm Sơn với ngọn núi lửa phun dữ dội và sức nóng kinh hoàng khiến thầy trò Đường Tăng không thể di chuyển đi lấy Kinh, chính thực là địa danh có thật và nằm sờ sờ ở mảnh đất Turpan, Tân Cương luôn.
Tầm 10g kém Kịt đã có mặt tại khu vực núi Hỏa Diệm Sơn. Nhìn bên ngoài, ngọn núi này chuẩn là một vùng đồi sa thạch màu đỏ cằn cỗi và bị xói mòn. Nghe giang hồ đồn thổi vào mùa hè cao điểm nhất, hơi đây nhiệt độ có thể lên tới 70°C, 80°C, xứng danh là một trong những địa điểm nóng nhất hành tinh.
Nằm ngay ngoài cửa là chiếc nhiệt kế khổng lồ với hình dáng chuẩn phiên bản quạt Ba Tiêu huyền thoại. Vào mùa này khoảng 8g mặt trời mới mọc, vậy mà sau có gần 2 tiếng nhiệt độ tại đây đã lên đến 35 độ rồi. Bên trong Hỏa Diệm Sơn nghe mô tả là có đầy đủ tượng dựng của 4 thầy trò Đường Tăng, nhưng thật sự thời tiết quá oi bức khiến Kịt không đủ sức để đi vào sâu tham quan.
Tui chỉ đứng bên ngoài ngắm nhìn địa hình của quả núi, chụp ảnh check in cùng cái quạt khổng lồ rồi lên xe ô tô “chim cút”. Đấy là chưa nói thêm thời tiết nóng tới mức xe bật điều hòa rồi mà mãi chẳng thấy mát, cháu Kịt ngồi xong xe còn tự cầm quạt quạt phành phạch =_=
Thiên Phật Động Bezeklik
Rời núi Hỏa Diệm Sơn, cả đoàn lại bon bon di chuyển tiếp. Thiên Phật Động Bezeklik nằm ở thung lũng Hỏa Diệm Sơn là một trong những điểm đến Kịt rất chờ đợi tại Turpan.
Nằm tĩnh lặng và khiêm nhường giữa sa mạc khắc nghiệt, khu vực Bezeklik được coi là chùa hang đá với khoảng hơn 80 hang động chạm khắc những bức bích họa đầy quý giá. Những bức tranh tường tại đây mô tả sống động về đạo Phật với những điển tích Phật giáo, cho tới việc khắc họa cả đời sống hàng ngày của người dân Turpan và dấu ấn của những thương nhân khắp nơi trên thế giới quy tụ trên Con đường Tơ Lụa. Nhìn chung, Thiên Phật Động Bezeklik không chỉ là công trình minh chứng cho đời sống tâm linh từng phát triển rực rỡ ở Tân Cương mà còn rất có giá trị về văn hóa và nghệ thuật.
Theo thông tin Kịt tìm hiểu được, Bezeklik cũng đã trải qua 7-8 thế kỷ thăng trầm cho tới tận thế kỷ 15 khi Hồi Giáo tràn qua Trung Á và phần lớn người Tân Cương cải đạo khiến hang động bị bỏ hoang. Sau này, người Đức cũng đã đánh cắp hết những bức bích họa đẹp nhất để mang về trưng bày trong bảo tàng ở Berlin. Chình vì lý do đó mà khi Kịt tới thăm Thiên Phật Động, ngoài khu di tích thấm đẫm chất thiền định nằm ôn hòa, nép mình vào núi non, gần như du khách không thể tìm được vết tích gì của những bức bích họa.
Số ít hang động còn tồn tại cũng chỉ mở cửa 1 vài khu cho khách du lịch, và bên trong cũng đã bị mất toàn bộ các bức tranh. Bức bích họa và tượng Phật mà Kịt đã nhìn thấy ở bảo tàng Turpan (lúc Kịt có nhắc đến trong phần trên) chính là một trong số rất ít tác phẩm nghệ thuật ở Bezeklik được giới thiệu đến công chúng.
Tại Bezeklik, ngoài việc tham quan những khu di tích còn sót lại của hang Phật, du khách có thể cưỡi lạc đà lên điểm cao nhất để ngắm toàn cảnh núi Hỏa Diệm Sơn lẫn không gian hoang mạc đỏ rực. Thú thực lúc đầu nghe mô tả về dịch vụ này Kịt cũng hào hứng lắm. Nhưng tới khi đặt chân đến và đối diện với cái tiết trời 40 độ oi nồng, bao nhiêu động lực tan đi bằng sạch =))) Bản thân mình cũng không trang bị đủ quần áo chống nắng nên giờ ngồi lạc đà phơi mình giữa cái nắng chói chang của vùng đất khắc nghiệt này, chắc đi 1 vòng xong quay lại tui cũng thành con Kịt xác khô ~~.
Lêu hêu tại Thiên Phật Động khoảng 1 tiếng, Kịt về lại ô tô để quay xe chạy thẳng tới thủ phủ Urumqi. Trên đường quay lại Kịt cũng bắt gặp thêm một số khu vực xung quanh Thiên Phật Động được chính quyền Trung Quốc phục dựng. Tuy nhiên Kịt không hứng thú lắm với những chỗ này, phần vì cái màu sắc hiện đại, mới mẻ của những khu đó thật sự lạc quẻ khi so với chất an yên, khiêm nhường của di tích hang Phật cổ.
Tạm biệt Turpan, tạm biệt thành phố của những sắc vàng hoang phế và cằn cỗi, Kịt trở lại thành phố Urumqi với những tòa nhà cao tầng đang mọc lên theo thời gian – dấu ấn cho thấy một vùng đất tự trị Tân Cương đã ngày càng bị “Hán hóa” rõ rệt.
Thủ phủ Urumqi
Khoảng 3g chiều, Kịt đã về đến Urumqi. So với đường phố Turpan nhà cửa nặng về phong cách Hồi giáo, tại Urumqi bạn có thể bắt gặp sự đa dạng về kiến trúc hơn hẳn. Đâu đó những toà nhà phong cách Đông Âu cũ nằm xen kẽ những công trình đậm chất Trung Đông, rồi thi thoảng lại bắt gặp những ngôi nhà mang màu sắc Trung Hoa cổ truyền. Sự pha trộn về văn hoá thể hiện rõ ngay từ vẻ ngoài của thủ phủ Tân Cương, bất chấp thực tế Urumqi bây giờ cũng hiện đại sầm uất không kém những thành phố khác tại Trung Quốc.
Sau một hồi vòng vèo, chị Ling dừng xe tại một toà nhà trông khá xịn xò bắt mắt. Kéo cái vali đến khu vực quầy lễ tân, Kịt tấm tắc khen khách sạn đẹp nội thất xinh không gian còn thơm tho sạch sẽ. Hứng thú thế nào tui còn nhảy vào tạo dáng chụp ảnh tía lia trong thời gian chờ Ling làm thủ tục check-in. Chụp được một đống ảnh đẹp rồi thì Ling mới đi ra thông báo: Xin lỗi hai bạn, tôi đi nhầm khách sạn ;_; =))). Trong một khoảnh khắc mặt Kịt ngẩn ra xịt keo cứng ngắc, sau đó đành lủi thủi xách vali đi ra, bụng nghĩ thầm sao không nói sớm để Kịt chụp 7749 kiểu chỗ người ta rồi eo ơi dơ quá =))).
Phải mất thêm 30 phút, xe của Kịt mới tới được đúng khách sạn. So với quả khách sạn ban nãy thì chỗ ở thực tế bây giờ chỉ bằng 1/2 về độ tiện nghi (có tí buồn huhu giá đừng đi nhầm vì không có so sánh thì không có đau thương =))). Có vẻ tại Urumqi giá thuê phòng cũng tương đối đắt đỏ vì đây gần như là điểm dừng chân đầu tiên và bắt buộc của tất cả du khách khi tới Tân Cương.
Urumqi không phải là nơi có quá nhiều điểm tham quan nội thành. Nổi bật nhất là bảo tàng Tân Cương và Chợ phiên Grand Bazaar (hay dân tình vẫn gọi là chợ Ba Tư). Do đã đi thăm bảo tàng ở Turpan nên lần này Kịt chỉ tập trung dành thời gian khám phá Grand Bazaar.
Lần đầu tìm hiểu về địa danh này, cái tên chợ Ba Tư làm Kịt nhớ đến ngay bản nhạc “Phiên chợ Ba Tư” huyền thoại của nhà soạn nhạc Albert William Ketèlbey. Bản nhạc ấy đi theo suốt tuổi thơ của Kịt với những tưởng tượng về một phiên chợ mang đầy màu sắc “nghìn lẻ một đêm” của những thương gia Trung Á dắt theo những con lạc đà chất đầy hàng hoá gấm vóc, tơ lụa,… Thế nhưng khi tới Urumqi và nhìn thấy sự đô thị hoá rõ rệt của thành phố, Kịt đã hiểu rằng thật khó có thể tìm lại cái chất cổ xưa đó tại Grand Bazaar…
Phiên chợ này hơn ngàn năm trước cũng là nơi dân du mục từ các ốc đảo xa xôi giữa sa mạc cưỡi lạc đà đến trao đổi sản vật. Còn ngày nay, Grand Bazaar đông đúc nhộn nhịp với vô số các gian hàng bán đủ thứ từ đồ lưu niệm đến sản vật địa phương thậm chí cả đồ điện tử. Có những khu chợ bên trong khi bước vào cảm giác như đi thăm chợ Đồng Xuân nhà mình =))) (nhưng phiên bản này rực rỡ màu sắc hơn với đủ hoạ tiết, hoa văn nổi bật của vùng Tân Cương). Dẫu cho Grand Bazaar hiện đại hơn so với tưởng tưởng của Kịt, nhưng ít nhiều khu chợ này cũng vẫn lưu giữ được những dấu ấn đặc trưng của người Duy Ngô Nhĩ.
Khu chợ được thiết kế như một quảng trường với những toà nhà có mái vòm tròn, tháp cao đặc trưng của kiến trúc Hồi giáo. Lạc đà ở khắp mọi nơi nhưng dưới hình dạng tượng, mô hình, thú bông :)) Tại các gian hàng bán nhiều món đồ gợi nhớ về xứ sở Ba Tư huyền thoại như thảm in/dệt hoạ tiết rực rỡ, chiếc đèn theo style “Aladin và cây đèn thần”, nhạc cụ dân tộc vùng Trung Á…..
Đây cũng là nơi mà Kịt thấy xuất hiện nhiều người gốc Trung Á nhất tại Tân Cương, chủ yếu là những thương nhân tới từ Pakistan, Tajikistan, Kazakhstan, Uzbekistan. Ngoài ra có cả những người buôn bán gốc Nga hay Mông Cổ. Về cơ bản, Grand Bazaar thu hút đông đảo du khách nhờ tính thương mại đa sắc tộc và giao lưu văn hoá ấn tượng đó.
Lượn lờ chán chê tại chợ Ba Tư, Ling dẫn hai đứa đi tiếp sang khu ẩm thực ngay gần đó. Khu chợ đêm này mang mô hình hoạt đông như kiểu food court, bà con mua đồ tại hàng quán hai bên sau đó tìm một chỗ ngồi tự do. Nhìn chung khu này đến để trải nghiệm không khí ăn chơi nhộn nhịp là chính chứ đồ ăn không có gì đặc sắc (và cũng không rẻ). Kịt gọi ít thịt xiên nướng, cá nướng ăn thay bữa tối rồi đi mua thêm chút hoa quả tươi trước khi về lại khách sạn.
Một buổi chiều tối tại Urumqi cũng kết thúc tương đối nhanh. Và từ ngày mai, chiếc xe ô tô của Ling sẽ bắt đầu đưa Kịt đi rong ruổi dọc một phần mạn Bắc Tân Cương xinh đẹp. Cuộc hành trình chờ đón nhất giờ mới thật sự bắt đầu….