TRIP WITH KIT
Châu Á Tân Cương Trung Quốc

Du lịch Tân Cương: Kỳ 3 _ Thảo nguyên Qiaxi & Hồ ngọc Zhaosu

Bắt đầu từ những ngày này, Kịt mới chính thức chạm tay vào Bắc Tân Cương trong tưởng tượng. Một Bắc Tân Cương của những cung đường bất tận, những dãy núi trập trùng, những thảo nguyên rộng lớn cho tới những hồ nước mênh mang.

>>> Kỳ trước: Thủ phủ Urumqi & Turpan trên Con đường Tơ Lụa

Ngày 4-5: Hẻm núi Dushanzi – đường Duku – cao nguyên Qiaxi

Hẻm núi Dushanzi (Độc Sơn Tử) – đường Duku (Độc Khố)

Lịch trình của ngày thứ 4 sẽ là ghé thăm Hẻm Núi Dushanzi (Độc Sơn Tử), từ đó đi hết quốc lộ Duku (Độc Khố) – một trong những cung đường ấn tượng nhất Tân Cương để về ngủ đêm tại thị trấn Nalati. Toàn bộ cung đường vào khoảng hơn 450km, dự kiến đi hết 8 tiếng nếu không có sự cố gì. Tuy nhiên ngày hôm nay thời tiết không ủng hộ đã khiến Kịt mất đến gần 10 tiếng ê ẩm trên ô tô.

Hành trình Tân Cương nối tiếp với những thảo nguyên và thiên nhiên rộng lớn, xa dần những thành phố và tòa nhà hiện đại

Trở lại với buổi sáng ngày hôm ấy, cả đoàn rời thủ phủ Urumqi từ 9g sáng. Xe chạy bon bon đi qua lần lượt hết những con đường quốc lộ, chạy cho tới khi quãng đường hai bên thưa thớt dần nhà cửa và cuối cùng chỉ còn lại miên man nào trời, nào đất hoà cùng những cánh đồng cỏ khô. Ngày hôm nay trời nhiều mây không nắng, cái tiết trời xầm xì ấy khiến khung cảnh xung quanh càng trở nên heo hút, cô quạnh và chơi vơi. Chỉ cần rời thành phố hiện đại, sầm uất là Tân Cương đã trở lại đúng cái tinh thần thiên nhiên du mục như thế này.

Khoảng 2 giờ chiều, Kịt đã đến được Độc Sơn Tử. Hẻm núi này là điểm đến ấn tượng đầu tiên trên con đường Duku (Độc Khố). Trải qua hàng triệu năm bị bào mòn bởi tuyết và nước của dãy núi Thiên Sơn, những khe núi dọc và ngang đã hình thành tạo nên Hẻm Độc Sơn Tử như hiện tại.

Hẻm núi Độc Sơn Tử nổi bật với những vách đá như tác phẩm điêu khắc nghệ thuật

Đứng từ trên cao nhìn xuống, Độc Sơn Tử nổi bật với những vách đá dựng đứng và hùng vĩ, trên vách đá vẫn in hằn những vệt lồi lõm, uốn lượn giống hệt một bức tranh điêu khắc khổng lồ mà người nghệ sĩ trực tiếp chạm khắc không ai khác chính là mẹ thiên nhiên. Vào một ngày trời âm u như hôm Kịt đến, cái màu xám xịt tro tàn của Độc Sơn Tử trông càng thê lương, u uất.

Tại hẻm núi này, chính quyền Trung Quốc đã bỏ công xây dựng khá nhiều chỗ vui chơi giải trí để người dân có thêm các hoạt động lựa chọn. Tuy nhiên không rõ có phải vì bàn tay con người đã đụng chạm nhiều quá, hay vì gu thẩm mỹ của “mẫu quốc” lúc nào cũng sến sẩm (theo kiểu tượng màu mè trái tim) mà khu Độc Sơn Tử này – dưới đánh giá của Kịt – cảm giác quy hoạch khá lổn nhổn.

Dù vậy, nếu yêu thích các trò chơi mạo hiểm, bạn có thể trải nghiệm cầu kính Độc Sơn Tử dài 186 mét bắc ngang qua hẻm núi (nhìn xuống cứ gọi rùng rợn đến vỡ tim với những ai sợ độ cao như cháu Kịt =))). Hoặc thử sức với trò bước từng bước qua cầu treo cao 80 mét, vừa rón rén vừa tưởng tượng kiểu giờ hụt chân một cái là rơi tõm xuống dưới đáy vực kia :))

Men theo bậc thang, du khách đến gần hơn với hẻm núi Độc Sơn Tử

Zai nhà Kịt cũng đã thử sức với trò chơi bước trên cầu treo này. Tui đứng bên ngoài chụp ảnh xong cười hô hố còn ở đằng xa chồng tui mặt mũi thì tập trung, đầu óc thì căng thẳng :))

Về cuối khu Độc Sơn Tử có một quán cafe mang tên The Cliff, nằm chênh vênh ở mẻm núi cao. Kịt cũng vào đó ngồi nghỉ ngơi và trải nghiệm thử tầm view nhìn thẳng xuống khe núi hun hút. Cảm giác không tệ, nhưng cũng không phải quá ấn tượng để bạn nhất định phải vào check-in.

Chơi ở Độc Sơn Tử đến khoảng 3g30, Kịt quay lại xe và bắt đầu từ đây đoạn đường di chuyển sắp tới gần như là đường đèo hiểm trở. Con đường Duku (Độc Khố) được mệnh danh là “đại lộ cảnh quan”, thường được các phượt thủ ca ngợi là một trong những đoạn đường ấn tượng nhất Trung Hoa. Theo tìm hiểu của Kịt, do ảnh hưởng của thời tiết (tuyết và băng trên dãy Thiên Sơn) mà Duku buộc phải đóng cửa 8 tháng/1 năm, chỉ mở lại vào thời điểm mùa hè. Con đường dài 561km mà có tới 1 nửa nằm ở độ cao 2.000 mét so với mực nước biển, đủ để hiểu độ hiểm trở và kỳ vĩ của nó như thế nào.

Lúc rời Hẻm Độc Sơn Tử để bước vào những đoạn đường đèo đầu tiên, Duku mang đến cho Kịt cái cảm giác hệt như lúc đi qua dãy Crown Range ở đảo Nam New Zealand 1 năm về trước. Những rặng núi trùng trùng điệp điệp bao quanh, những khúc cua cực gắt đan xen liên tiếp. Cảnh sắc gói gọn trong mấy từ: Hùng vĩ một cách đầy bi tráng!

Xe đi được khoảng 30p thì trời bắt đầu mưa xối xả. Lái xe đường đèo bình thường đã rất vất vả nữa là đúng đoạn hiểm trở bậc nhất Tân Cương lại thêm quả thời tiết cực đoan. Vậy mà chị Ling chứng minh bản lĩnh soái tỷ cool ngầu khi giữ vững tay lái từ đầu đến cuối, thậm chí suốt 6 tiếng đồng hồ Ling chỉ dừng nghỉ đúng 2 lần để đi WC (bình thường chắc mọi người sẽ dừng xe liên tục để ngắm cảnh chụp ảnh nhưng vào một ngày mưa gió rét mướt như thế này cứ ngồi yên trong xe là thượng sách).

Một trong những khung cảnh trên con đường Duku ngày hôm ấy

Nhìn chung, gần như cả đoạn đường Độc Khố ngày hôm đó chìm trong mưa. Thêm cảnh phải ngồi trong xe quá lâu khiến người Kịt chỉ thấy mệt mỏi ê ẩm. Chưa nói đến việc có 1 lúc khá lâu Kịt còn bị chóng mặt, say xe vì lên cao + cua đèo liên tục. Vậy nên sau này có ai hỏi Kịt “đại lộ cảnh quan” ngày hôm ấy có đẹp không, thì thú thực ấn tượng của Kịt về nó chỉ là đi mệt đi dài và đi xa vãi đấm bà con ạ ~~

Và cũng chính trong buổi chiều hôm ấy Kịt đã đưa ra quyết định thay đổi toàn bộ lịch trình sắp tới. Đó là nếu cố đấm ăn xôi phi lên tận mạn Kanas + làng Hemu thì có lẽ gần như ngày nào Kịt cũng phải di chuyển 6-9 tiếng trên xe. Mệt mỏi là một chuyện mà cảm giác chẳng còn thời gian thảnh thơi, tận hưởng điểm đến. Thâm chí nghĩ bụng sáng sớm trang điểm xinh tươi xong rồi cả ngày chỉ biết ngồi xe oằn èo, tới lúc đến nơi người ngợm xác xơ mặt mũi tã tượi cảm hứng đâu mà chụp ảnh nữa =))) Vậy nên ngay thời điểm ấy, Kịt đã nhắn tin về cho công ty tour tại Việt Nam xin được đổi lại hành trình những ngày còn lại.

Tới tầm 7g chiều (phải gọi là 7g chiều vì lúc này mặt trời vẫn còn chưa lặn), trời đã tạnh mưa hẳn và bầu trời dần hửng nắng. Phong cảnh hai bên đường cũng bắt đầu “ló rạng” với những đồng cỏ miên man và những quả đồi theo phong cách “rolling hills”. Bây giờ cũng là thời điểm giờ vàng – khung giờ đẹp nhất trong ngày. Qua khung cửa kính ô tô, Kịt nhìn thấy từng mảng nắng vàng ươm đang mân mê trên những quả đồi trập trùng. Cảnh tượng đẹp như một bức tranh hội hoạ. Đúng là sau cơn mưa trời lại sáng, hứa hẹn ngày mai tại cao nguyên Qiaxi thời tiết sẽ chiều lòng người hơn.

Thiên nhiên đẹp đến nao lòng hiện diện sau một ngày mưa tầm tã

9g tối Kịt mới về được đến hostel ở thị trấn Nalati. Ơn giời là chiếc hostel thật xinh xắn bonus thêm một đàn mèo đáng yêu nên đã đủ sức để xoa dịu Kịt sau một ngày ngồi xe vất vả. Buổi đêm hôm ấy tui nhớ mình ngủ ngon và ngủ say như chết, mục đích nạp lại năng lương để ngày mai xoã hết mình cùng Tân Cương :))

Chiếc hostel xinh xắn tại thị trấn Nalati. Sau một ngày ngồi xe ê ẩm, ít nhất đến nơi cũng thấy lòng được xoa dịu

Một chiếc mèo bình yên say ngủ tại hostel

Cao nguyên Qiaxi

Ngày thứ 5 ở Bắc Tân Cương.

Từ sáng sớm trời đã nắng đẹp tưng bừng. Lịch trình của ngày hôm nay sẽ cực kỳ thong thả. Đâu đó chỉ chạy xe hơn 2 tiếng để di chuyển từ Nalati về Qiaxi. Sau đó Kịt sẽ dành cả ngày tự do khám phá vườn quốc gia Qiaxi này.

So với Nalati, thảo nguyên Qiaxi xa hơn và tất nhiên là vắng vẻ hơn. Từ cửa ngõ của Qiaxi, chị Ling cũng phải chạy xe thêm 1 tiếng nữa mới tới được điểm tham quan chính. Hôm nay nơi ở của Kịt là một khu xây bằng container, nằm đối diện với núi rừng, thảo nguyên và suối chảy róc rách. Ngay bên bờ suối là rất nhiều lều Mông Cổ Yurt được cải tạo để du khách có thể ở qua đêm. Bản thân chiếc container của Kịt khi đi vào bên trong cũng tiện nghi vô đối. Nhìn chung là chỗ ở tại Qiaxi lần này cực chill, cực thích, chỉ có trừ điểm là đồ ăn vừa dở vừa đắt lòi mồm ~.

Cũng không rõ các khu vực thảo nguyên khác ở Tân Cương như thế nào, nhưng tại Qiaxi gần như không thấy sự xuất hiện của bê tông. Các khu nghỉ không là lều vải thì cũng là container hoặc nhà gỗ, tóm lại là hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường. Có lẽ nhờ vậy mà Qiaxi không chỉ có không khí trong lành tinh khiết mà còn mang cái vibe rất giản dị nguyên sơ.

Trên đường lên cao nguyên Qiaxi, một khung hình ấn tượng mà hầu như ai cũng phải dừng lại chụp ảnh

Chiều hôm nay Kịt sẽ đi lên điểm cao nhất của cao nguyên Qiaxi, sau đó đi xe buggy nội khu ra khu vực bờ suối chính. Chị Ling cũng là một tour guide nhiều kinh nghiệm nên dù buổi chiều hôm ấy trời nắng đến vỡ đầu, Ling vẫn khuyên là leo lên đỉnh núi trước vì khả năng chiều muộn là trời sẽ nhiều mây trở lại, cảnh trên núi khi ấy sẽ bớt đẹp đi nhiều phần (và sau này khẳng định Ling nói không sai).

Từ điểm đỗ xe ô tô, du khách sẽ phải đi bộ trên từng bậc thang để lên chỗ đỉnh cao nhất. Thật ra Kịt cũng không nhớ chính xác bao nhiêu bậc và leo hết bao lâu đâu, vì bản chất mình là đứa thích la cà lêu hêu chụp ảnh. Chỉ biết là cả đi và về hết đâu đó tầm 2-3 tiếng đồng hồ.

Trên đường leo lên đỉnh cao nhất của thảo nguyên Qiaxi

Tầm này đã là cuối tháng 8, hoa cỏ gần như đã tàn hết. Thảo nguyên cũng không còn là màu xanh non như hồi đầu hè tháng 6 tháng 7. Thấy bà con bảo lên trên đỉnh núi Qiaxi là thấy cả núi tuyết xa xa nhưng chắc cuối tháng 8 tuyết cũng tan nên tui chả nhìn thấy gì =))) Chụp ảnh lên thì vẫn đẹp đấy nhưng hỏi Kịt có ấn tượng không thì lại thú thật là không có nhiều ấn tượng =))) Đúng là du lịch thì vẫn nên chọn đúng mùa, chắc chắn Qiaxi hay các đồng cỏ khác của Tân Cương sẽ rực rỡ hơn rất nhiều vào tầm tháng 6 tháng 7.

Tầm view từ một trong những điểm cao nhất của thảo nguyên Qiaxi

Vào mùa này cỏ thảo nguyên đã bắt đầu chuyển dần sang màu cháy

Thời tiết ở Tân Cương vào những ngày giao mùa cuối tháng 8 cũng phải nói là đỏng đảnh thất thường. Cả ngày trời nắng vỡ đầu như thế mà đúng vào thời khắc tui chụp xong cái ảnh cuối cùng trên đỉnh núi là trời đổ mây tắt nắng luôn (thôi thì cũng may là đã chụp xong ảnh, ơn giời và ơn cả Ling ~~ ). Kịt quay trở lại điểm xuất phát và đi cùng Ling ra khu vực xe buggy để mua vé thăm quan khu rừng thông bên bờ suối. Đây cũng là một trong những điểm Kịt khá thích tại Qiaxi. Những rừng thông xanh mướt mát, dáng cây thẳng tắp và đặc biệt cây nào ở đây cũng bề thế, uy nghi đúng như biểu tượng cho sự vĩnh hằng, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Suối và rừng thông, chuẩn vẻ đẹp đặc trưng của những thảo nguyên mạn Bắc Tân Cương

Góc rừng thông đẹp như trong cổ tích

Dạo chơi ở đây một lúc, Kịt quay trở về khu nghỉ. Lúc này trời lại bắt đầu mưa, tuy không xối xả như ngày hôm qua nhưng cũng đủ làm nhiệt độ hạ đáng kể. Mới ngày nào còn nóng chảy mỡ tại Hoả Diệm Sơn với 45 độ C, giờ đã lạnh sun vòi với thời tiết chỉ còn 7 độ :)). Buổi tối hôm ấy hai đứa mặc áo phao đội mũ và ngồi ăn luôn tại hiên trước cửa nhà. Chủ hostel bê đồ ăn đến tận nơi để du khách vừa ăn vừa trải nghiệm luôn cảm giác hoà mình với thiên nhiên :)) Nói chung feeling cũng ra dáng nghỉ dưỡng lắm, chỉ trừ việc đồ ăn chán dã man, và thi thoảng lại nghe tiếng cười hô hố của một nhóm khách Trung Quốc ngồi sát phạt đánh bài cách đó vài mét.

Bên trong những chiếc nhà container kia là nội thất siêu tiện nghi. Thêm quả hiên nhà rất chill để bà con ngồi tận hưởng không khí núi rừng

Ngày 6-7: Thành phố Tekes (Bát Quái) – Hồ Ngọc Zhaosu

Thành phố Bát Quái

Ngày thứ 6 tại Bắc Tân Cương.

Sáng hôm nay trời vẫn mưa và lạnh. Hai cháu bé An Nam vì đã đổi lịch trình thong thả hơn nên bản tính lười nhác lại trỗi dậy. Zai thì ôm chăn ngủ trong khi Kịt thì ra hiên nhà ngồi vô tri nghe nhạc ngắm núi ngắm rừng. Chị Ling dẫn tour cùng hai đứa chắc cũng vui phải biết vì chả mấy khi tìm được khách ểnh ương thế này :)) Mãi tận 11g trưa cả bọn mới lên xe xuất phát rời Qiaxi.

Lịch trình hiện tại đã thay đổi so với ban đầu, khi thay vì chạy thẳng lên hồ Sayram thì tui rẽ hướng đi về phía hồ ngọc Zhaosu. Tuy nhiên vì hôm nay trời lại mưa rét nên Kịt tiếp tục đổi kế hoạch sáng hôm sau mới đi thăm hồ. Trưa chiều nay sẽ dừng chân ở thành phố Bát Quái (Tekes) sau đó nghỉ ngơi tại khu homestay bên ruộng lúa – cách Zhaosu khoảng 40p chạy xe.

Chiếc homestay dễ thương nhất quả đất tại khu Zhaosu – điểm nhấn đáng chú ý trong ngày thứ 6

Khoảng 2 giờ chiều, Kịt đã đến thành phố Bát Quái. Nơi này có diện tích khá vừa phải, chắc đâu đó chỉ tương đương một thị trấn bình thường. Điểm đặc biệt nhất của thành phố này là quy hoạch theo bố cục trận địa bát quái và không hề có đèn giao thông.

Tui bắt đầu nhận ra mình đã đặt chân đến Tekes khi thấy Ling tự nhiên lái xe không được trơn tru như bình thường. Chị gái bối rối mỗi khi đến một cái vòng xoay và phân vân vụ rẽ trái, rẽ phải (xong rồi có lúc đi đúng 1 vòng rất vô tri :))).

Bản đồ thành phố Bát Quái được treo ở hầu hết mọi nơi

Lý do là bởi tại đây mọi con đường đều không có đèn xanh, đèn đỏ, nối thông với nhau theo hình vòng cung nên đảm bảo đi thế nào cũng có thể về đích (nhưng không có nghĩa là không bị lạc nhé).

Tất cả đường sá đều được quy về một điểm là quảng trường Bát Quái ở vị trí trung tâm. Toàn thành phố được xây 3 vành đai vàng. Vành đai thứ nhất là quảng trường lớn, vành đai thứ 2 là các tòa nhà dịch vụ công cộng và cửa hàng, vành đai thứ 3 chính là nhà ở của cư dân.

Nhìn chung thành phố này không có điểm tham quan gì nổi bật ngoại trừ quy hoạch độc nhất vô nhị của nó. Và để thấy được toàn cảnh “trận địa bát quái”, mọi người thường dùng flycam chụp lại thành phố từ trên cao. Ling cũng mang theo drones trong suốt chuyến đi để quay chụp video chiều lòng khách. Nhưng rất tiếc buổi trưa hôm ấy ở Tekes trời lại mưa nhỏ nên Kịt đã đề xuất với Ling “Thôi bỏ đi mà làm người” =))).

Không chụp được bức ảnh drones nào tại Tekes thì xin được mượn tạm bức hình trên mạng cho bà con dễ tưởng tượng bản đồ của thành phố độc đáo này!

Hồ Zhaosu

Sau khi dùng bữa trưa tại Tekes, Kịt lên xe di chuyển về khu homestay gần hồ Zhaosu. Chỗ ở hôm nay xinh yêu dã man, chắc là nơi lưu trú Kịt thích nhất trong cả chuyến hành trình. Khu vực này là tập hợp của nhiều ngôi nhà gỗ, nằm chơ vơ giữa những cánh đồng lúa và những cánh đồng hoa.

Ngay ngôi nhà của Kịt cũng có một ô cửa sổ to chà bá, nhìn view thẳng ra một cánh đồng hoa cũng to chà bá chẳng kém gì. Cả một toà thiên nhiên bày ra trước mắt, ta chỉ cần ngồi bên trong nghe nhạc, đọc sách, ngẩng đầu lên là thấy ngay mỹ cảnh trần gian. Mọi thứ lại càng hữu tình thi vị hơn vào một ngày mưa lạnh như thế này <3 Ngày thứ 6 đã diễn ra bình yên thư thái như thế!

Khung cửa sổ mộng mơ xua đi mọi muộn phiền của ngày mưa gió

Những ngôi nhà gỗ da cam nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên

Sang đến ngày thứ 7, trời đã bắt đầu tan dần mây. Dự báo đến trưa nay là nắng sẽ trở lại. Sau một ngày dành chủ yếu cho việc nghỉ ngơi dưỡng sức, lịch trình hôm nay sẽ đi thăm hồ ngọc Zhaosu trước khi chạy xe 4 tiếng về lại Yining. Đặc biệt hôm nay, Ling sẽ đi qua cung đường Yizhao – cũng là một trong những cung đường đẹp nhất tại Tân Cương.

Tầm 9g sáng, Kịt chia tay ngôi nhà gỗ trong mơ để lên xe di chuyển đến Zhaosu. Đoạn đường đi Zhaosu rất rất đẹp với đủ những cung bậc trạng thái khác nhau. Đó là những con đường với hai hàng cây tít tắp tạo thành mái vòm xanh ấn tượng. Đó là những cánh đồng (hình như là) lúa mì đã gặt xong và người nông dân xếp đều trên đó những cuộn cỏ vàng tròn xoe hệt như hình ảnh Kịt đã bắt gặp tại Tuscany, nước Ý.  Đó là những đồng cỏ trập trùng, nhấp nhô với những đàn ngựa, đàn cừu nhởn nhơ ăn cỏ. Thậm chí có lúc Kịt còn đi qua cả một cánh đồng toàn hoa hướng dương.

Con đường cây xanh như thế này có thể tìm thấy rất nhiều tại Tân Cương

Đẹp như một bức tranh của Van Gogh

Người ta xếp các cuộn cỏ vàng thành đủ hình thù và tà đa hông hiểu sao còn tòi ra tượng một em gấu trúc cute :)))

Càng về gần đến hồ Zhaosu, khung cảnh càng trở nên hoang vu đến mức hoang dại. Từ điểm xuất phát mua vé, bạn sẽ đi xe buggy đến một khu vực có sẵn bậc thang và leo dần lên đó để ngắm toàn cảnh chiếc hồ. Buổi sáng hôm ấy trời chưa kịp có nắng, thế nhưng màu nước của hồ không cần ánh sáng vẫn là một màu xanh không thể xanh hơn. Chuẩn xác xanh hơn cả trời, chính xác xanh hơn cả biển. Xanh như thể chiếc hồ này bị ông giời lỡ tay làm đổ lọ phẩm màu lên :))

Có một cụm công trình *không được xinh đẹp lắm* và *hơi phá hoại cảnh quan* nằm tại điểm cao nhất này. Du khách có thể vào quán cafe bên trong công trình để được chụp ảnh tại những góc view đẹp nhất. Hoặc lựa chọn như Kịt là chả uống gì chỉ cần đi những khu vực public bên trên là vẫn đủ để ngắm nhìn chiếc hồ ở 360 độ.

Hồ trên núi nên nhiệt độ xuống khá thấp. Bao nhiêu áo khoác chống rét con Kịt lôi ra mặc bằng sạch

Điểm dừng đầu tiên của xe buggy là những bậc thang để leo lên cao ngắm toàn cảnh chiếc hồ

Hồ ngọc Zhaosu – ngọc ngà thật sự kể cả vào một ngày trời xầm xì không có nắng

Cầm chiếc vé vào thăm hồ Zhaosu, tự hỏi nước hồ liệu có xanh như quảng cáo

Câu trả lời là màu nước thực tế không cần nắng vẫn xanh hơn cả trong tưởng tượng :)))

Vì không có bỏ tiền ngồi quán cafe nên chỉ được ngồi cái ghế dù thu lu chụp ảnh như thế này =)))

Lêu hêu được một lúc, Kịt quay trở lại xe buggy và lúc này, xe đưa cả đoàn đi một vòng quanh hồ trước khi dừng chân ở khu vực mà Kịt cực kỳ cực kỳ thích. Núi, đồng cỏ, hồ nước, những đàn ngựa gặm cỏ, vẫn là những thứ cơ bản bạn có thể nhìn thấy nhan nhản tại Tân Cương, nhưng chẳng hiểu sao ở riêng chỗ này nó lại đẹp một cách kỳ lạ. Có lẽ vì tại đây toát lên cái vibe hoang sơ thuần khiết, đâu đó rất giống chất thiên nhiên hoang dã bạt ngàn của đảo Nam New Zealand. Chính là cái vibe mà Kịt đi tìm mãi ở Tân Cương suốt những ngày qua, cái vibe không có bàn tay sắp đặt quy hoạch của con người.

Một trong những nơi Kịt thấy thích nhất cả chuyến đi đây. Trời hôm nay không nắng to nhưng vô tình lại khiến những triền núi kia thêm “nét điện ảnh”. 

Những đàn ngựa đứng thong dong gặm cỏ càng khiến khung cảnh thêm bình dị, an yên

Zai nhà bảo đứng vào chụp ảnh với mấy con ngựa đi vì nhìn em như con ngựa đầu đàn =))) Vầng rất vô tình là outfit của tôi màu sắc không khác gì mấy em ngựa kia =)))

Nhìn chung, địa điểm hồ Zhaosu này có vẻ không nổi tiếng như nhiều địa danh khác tại Tân Cương, nhưng ngạc nhiên chưa sự thay đổi phút chót này lại là một trong những nơi Kịt thích nhất và recommend nhất trong cả chuyến hành trình. Nó đẹp từ cả cung đường đi đến đây. Và đẹp nhất ở điểm dừng chân cuối cùng!

Ngày 7-11: Yining – Hồ Sayram – Anjihai – Urumqi

Đọc tiếp Kỳ 4 tại ĐÂY

You Might Also Like...