Trong ký ức của Kịt, Sapa từng là một nơi rất đẹp!
Lần đầu Kịt tới Sapa là năm 12 tuổi, khi ấy Sapa trong veo với khí hậu mát lạnh và thiên nhiên thuần phác. Đến năm 18 tuổi, Kịt quay lại Sapa và vẫn là những ấn tượng xinh đẹp của một thị trấn vùng cao.
Thế rồi bẵng đi, Sapa xuất hiện nhiều hơn trên những trang mạng xã hội, trên những bài báo về đề tài du lịch. Sapa dần trở thành điểm đến nổi tiếng của người Việt Nam lẫn người nước ngoài, những bức ảnh check-in sống ảo của các bạn trẻ cũng tăng dần theo cấp số nhân.
Và Kịt đã thấy xuất hiện những thứ thật khác với mảnh ký ức quen thuộc về Sapa năm nào, những thứ mang mùi vị “công nghiệp” dưới danh xưng đầy thuyết phục: “du lịch hóa”.
Thế rồi lại bẵng đi một thời gian, người ta bắt đầu xướng tên Sapa với những cụm từ như “thảm họa” hay “đại công trường”, đính kèm vào đó là các bức ảnh với xe công, xe thồ cày nát các con đường của khu trung tâm. Cây cỏ được trát một lớp bụi phủ của xi măng, bê tông thay vì cái màu xanh mướt mát của khí trời như trước. Cũng chẳng còn chợ tình hay người dân tộc, chỉ có người mặc đồ dân tộc mà thôi!
Vậy là Kịt đã nghĩ, chắc có lẽ sẽ không bao giờ quay lại Sapa, để giữ lại những ký ức ngọc ngà về một trong những vùng đất mình từng thấy đẹp nhất trong thời thơ trẻ của mình.
Sapa của những gì thuộc về thiên nhiên, đó mới là Sapa đẹp nhất!
Những ngày đầu tháng 5/2020, dịch Covid 19 khiến thế giới “đứng im” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Việt Nam cũng như rất nhiều nước khác đóng cửa, ngưng đón khách du lịch nước ngoài, các chuyến bay nội địa cũng bị hạn chế ở mức thấp nhất.
Giữa cái nóng mùa hè như hỏa diệm sơn đổ lửa của Hà Nội, một thoáng bất giác Kịt nhớ về Sapa, và cũng chỉ một thoáng bất giác Kịt đã lên kế hoạch quay lại thị trấn này.
Sapa đang ở thời kỳ vắng vẻ gần như không có du khách, thiên nhiên cũng vừa trải qua hơn 1 tháng phục hồi do lệnh “giãn cách xã hội” của chính phủ. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm Sapa, để cảm nhận và có được sự đánh giá dành riêng cho bản thân, thay vì chỉ nhìn qua những bức ảnh dân tình chụp tràn lan trên Facebook.
Sapa tháng 5 là của mùa nước đổ, một trong hai mùa đẹp nhất trong năm. Các khách sạn đắt đỏ nhất thi nhau hạ giá để thu hút du khách, vậy nên mới có chuyện thuê được một phòng ở Pao view thẳng ra thung lũng Mường Hoa với mức giá chỉ ngang với một con hostel 2-3 sao của Sapa mùa cao điểm.
View từ phòng của Pao hotel, trọn vẹn thung lũng Mường Hoa xinh đẹp
Chuyến đi khá chóng vánh với lịch trình từ sáng thứ 6 đến tối chủ nhật, trừ hao thời gian ngồi xe khách thì coi như chỉ có đúng 2 ngày thăm thú Sapa.
Cũng xem đây là chuyến du lịch “tự nguyện” cuối cùng đến Sapa nên Kịt quyết định sẽ đi cả những khu công trình của Sun như hệ thống tàu hỏa leo núi hay cáp treo lên đỉnh Fan. Mục đích như đã nói ở trên, là để bản thân có riêng được sự đánh giá về cái gọi là “du lịch hóa” tại thị trấn này.
Trước tiên là khu trung tâm của Sapa. Xem ra báo mạng cũng không quá ngoa ngoắt khi gọi đây là một đại công trình. Trên con đường đi từ khu Sun Plaza về KS Pao, đường bị cày xới với đủ thứ bụi bặm và ổ gà, bonus thêm vài quả hố đủ to để nhét vừa một cái xe máy (oh khác gì hố tử thần đâu -_- ). Ô tô hai chiều với sự hỗ trợ của cả xe thồ xe cẩu xe công, vậy nên dù đang ở mùa vắng khách kỉ lục trong lịch sử, Sapa vẫn kịp chiêu đãi Kịt vài màn tắc đường mỗi khi combo trên rủ nhau tụ tập cùng chỗ.
Lùi lên một chút, whao nguyên cả đoạn đường quây hoarding của nhà bác Sun, bên trong là công trường đang đập phá tưng bừng tấp nập. Và dường như vậy vẫn chưa đủ thu hút sự chú ý, một loạt banner màu đỏ được giăng cao với dòng chữ “Trả lại chợ đá cho người Sapa, không đánh đổi lợi ích môi trường lấy lợi ích kinh tế”.
Trong trí nhớ của Kịt gần 20 năm trước, đây chính là khu chợ cổ bậc thang nơi mình từng ngồi ăn thịt nướng cơm lam, nơi bày bán rất nhiều đồ lưu niệm mang màu sắc vùng cao của những người dân tộc “thật sự”.
Khu chợ ấy giờ sắp được thay áo, một chiếc áo xa xỉ đắt đỏ và quá cỡ của một công trình nào đó của một tập đoàn tư nhân. Thế là đủ để cảm thấy chua xót quá 🙁 Sapa tội nghiệp!
Nhiều người cũng bảo, muốn đẹp thì phải đánh đổi, bao giờ các khu du lịch chẳng có giai đoạn chuyển giao như thế này (cũng như người Hà Nội đã đội cái công trình đường sắt lên đầu cả chục năm nay mà cũng chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi nó “chuyển giao” xong).
Cũng hy vọng thời gian tới khi tất cả các công trình đường sá, khách sạn ở Sapa được hoàn thiện, Sapa ít nhất sẽ không còn cái cảm giác nhếch nhác như thế này. Chỉ có điều với mình, khu trung tâm Sapa sau này có (may mắn) được đẹp thì cũng chẳng phải vẻ đẹp riêng biệt vốn có của mảnh đất này nữa!
Mường Hoa station – một trong những điểm “nhân tạo” rất hút khách của nhà bác Sun (cũng là điểm bắt cáp treo để lên đỉnh Fan). Trừ một vài chi tiết sến sẩm (như cái tổ chim mà cháu Kịt đang ngồi), khu này cơ bản khá ổn với view toàn cảnh + vườn hoa tím hoa hồng xinh xẻo. Cả con tàu leo núi mà bác Sun đầu tư cũng khá ổn.
Cũng may là rời khỏi khu trung tâm, Sapa vẫn chưa bị quá méo mó. Vẫn còn những khung cảnh mà đất trời vốn đã ban tặng cho mảnh đất này. Vẫn còn những bản làng mà người miền xuôi chưa kịp vươn tay tới nhào nặn.
Ngày thứ Bảy hôm ấy, trên con xe số cà tàng, Kịt bắt đầu rong ruổi thật xa để tìm lại cái ký ức nồng nàn về một Sapa lặng lẽ nhất. Trời vẫn nắng chói chang, nhưng gió thì mát lộng vào tim. Đứng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ hít một hơi thật sâu để nuốt vào lòng thứ không khí sảng khoái mà chẳng thể nào có được nơi thành thị xô bồ của Hà Nội.
Ô Quy Hồ không có những góc cua gắt bằng Mã Pí Lèng ở Hà Giang, vừa đi vừa thong thả ngắm trời ngắm đất, ngắm núi rừng trùng điệp và ngắm sự hồi sinh của tạo hóa sau những ngày Covid. Đúng là Việt Nam mình, chỉ cần đừng là nhân tạo thì lúc nào cũng tuyệt tác như thế !!! (nhắc nhân tạo lại nhớ mấy năm trước đi Đà Lạt, mấy cái làng Cù Lần rồi làng Đất Sét sến tổ bà, cũng may có cái cung đường đi đẹp phê pha đỡ lại).
Lên Ô Quy Hồ vào lúc 4g chiều mà bữa trưa thì chả kịp ăn uống tử tế, thế là Kịt dừng lại ở giữa đỉnh đèo, rẽ vào một hàng nướng của một chị gái, chén một ít cơm lam nướng, một ít thịt heo nướng, một ít khoai nướng, một ít trứng nướng (và mấy cái “một ít” thì thành cái “nhiều ít”). Ăn đồ nướng Sapa ngon, nhưng đúng là phải ăn ở nơi đèo cao, khi cái gió cái lạnh từ trên cao bắt đầu sà suống và thấm vào da thịt, thế mới là hạnh phúc nhất <3
Cây cô đơn trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ (chui vô đây chụp ảnh với cái cây mất 10k, đúng là kinh doanh trên từng cây số =))))
Một bữa nướng vùng cao ấm lòng người “chiến sĩ”
Ăn no ấm bụng xong, Kịt lại lên xe chạy về bản Tả Phìn – một bản làng cách trung tâm Sapa khoảng 12km. Từ Ô Quy Hồ, google map chỉ một tuyến đường đi Tả Phìn khác với đi từ trung tâm Sapa. Và có lẽ, đấy là điều may mắn nhất trong ngày bởi tuyến đường đó mãn nhãn, hùng vĩ hơn hẳn. Ruộng bậc thang ở cung đường này hoành tráng tới mức ngút ngàn, mùa nước đổ đã đẹp thế này không hiểu mùa lúa chín còn ngộp thở như nào nữa.
Trên đường đi Tả Phìn, có một số đoạn thấy công nhân đang phá đồi, cho xe cẩu xe tải hoạt động. Bất giác nghĩ, liệu một thời gian nữa, Tả Phìn có còn chống trọi được với sự xâm lấn của “du lịch hóa”, có còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như thế này không?
Góc view bạt ngàn trên cung đường Tả Phìn
Sapa của những ngày 2020 khác xa so với những năm 2000. Nghĩ lại thì 20 năm trôi qua, bản thân mình cũng đã thay đổi hoàn toàn nữa là một thị trấn nhỏ vùng cao. Mình thì đã lớn lên, và Sapa cũng không thể nào còn nguyên sơ nguyên bản!
Lúc đứng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, bất giác nhớ đến lyrics bài “Đi theo bóng mặt trời” của Đen. Lại ước một điều ước không tưởng về một tuổi trẻ bất biến, về “những ngày chân chưa mỏi, có tiền cũng khó mà mua“. Thôi thì cũng mong cho tới ngày chân đã mỏi mệt, mình đã ngắm được hết vẻ đẹp trải dài của đất nước Việt Nam <3
♪ ♫ ♩ ♬ “Anh muốn khi anh hết trẻ, ngồi nhìn bầu trời xanh biếc cuối chiều
Bên hiên nhà, ly trà ấm, trong tâm tư không tiếc nuối nhiều
Rồi anh kể cho đám trẻ, những điều anh đã trải qua
Không phải để họ ngưỡng mộ, hay là để họ ngợi ca
Chỉ là ai cũng có những ngày trẻ, rồi thì cũng sẽ già nua
Những ngày mà chân chưa mỏi, có tiền cũng khó mà mua
Những ngày nào đó, khi tâm tư được vẫy vùng
Và ta sẽ cùng mở nhạc, giữa rừng xanh và nhảy cùng
Là đâu đó giữa chập chùng núi và non kia
Nằm trên đồi hút điếu thuốc và ở trong túi là lon bia ” ♪ ♫ ♩ ♬