TRIP WITH KIT
du lich hallstatt tu tuc
Châu Âu Schengen

Kinh nghiệm du lịch châu Âu tự túc: Lịch trình, xin visa và các lưu ý khác

Bài viết tương đối dài và được tổng hợp dựa trên chuyến đi của Kịt vào tháng 08/2018. Nội dung bao gồm những kinh nghiệm thực tế Kịt gặp trực tiếp trong chuyến đi cũng như những cẩm nang thông tin Kịt thu thập được từ trước đến nay.

Du lịch châu Âu nên đi mùa nào trong năm?

“Mùa hè Châu Âu” đã từng trở thành cụm từ trong mơ của dân du lịch Việt Nam một thời, đó là được đến thăm châu lục xinh đẹp nhất thế giới vào những ngày gió mát trời xanh nắng vàng rực rỡ. Tuy nhiên đó là trước khi trái đất chịu tác động của hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Còn bây giờ châu Âu cũng đã và đang trải qua những ngày nắng nóng hầm hập không kém gì thủ đô Hà Nội.

Vậy nên ngoài mùa hè, bà con có thể cân nhắc du lịch châu Âu vào những thời điểm khác trong năm, cũng đẹp cũng yêu và quan trọng là đỡ đông đúc cao điểm hơn hẳn.

Mùa xuân tầm cuối tháng tháng 3 đến hết tháng 4 là thời điểm hoa cỏ đua nở ở châu Âu, tiết trời từ ấm áp đến hơi se lạnh, cực kỳ phù hợp để bạn chuẩn bị một chuyến hành trình thăm thú lục địa giàu bản sắc này. Tại Hà Lan, đây cũng là mùa cao điểm du lịch vì hoa tulip sẽ nở đồng loạt rực rỡ ở đất nước màu da cam.

Mùa hè thường kéo dài từ cuối tháng 5 đến tháng 8, như có nói ở trên hầu hết các nước châu Âu đều ở giai đoạn du lịch cao điểm. Hãy tìm hiểu kỹ nơi bạn muốn tới để lựa chọn thời gian đẹp nhất, vì tuỳ mỗi đất nước sẽ có khí hậu khác nhau.

Ví dụ, bạn không muốn phải du lịch trong thời tiết nắng nóng bỏng rát, hãy tránh nước Ý vào tháng 7 và đầu tháng 8, thay vào đó đẩy lùi thời gian lên khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 để trải nghiệm đất nước hình chiếc ủng một cách dễ chịu nhất. Tuy nhiên, nếu tới khu vực Bắc Âu vào khoảng tháng 7, tháng 8, đây sẽ là thời điểm “vàng” trong năm với nhiệt độ tầm hơn 20 vô cùng thoải mái.

kinh nghiem du lich chau au tu tucMùa hè – thời điểm lý tưởng để khám phá châu Âu

Mùa thu của châu Âu nhìn chung kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Nhưng không phải lúc nào tới cũng bắt được đúng khoảnh khắc mùa thu vàng của châu Âu, vì đến sớm quá thì lá vẫn xanh mà muộn quá thì lá đã rụng hết. Anh em hãy tìm hiểu kỹ thời điểm lá vàng của từng nước để lên lịch trình hoàn hảo nhất. Thông thường mùa thu vàng của châu Âu đẹp nhất trong tháng 10.

Mùa đông với Xmas, với New Year sẽ là thiên đường cho những người – trước tiên là chịu được lạnh =))) – sau là có niềm đam mê với tuyết trắng và cho những gì mộng  mơ như cổ tích. Trừ kỳ nghỉ Xmas – New Year, du lịch vào mùa đông ở châu Âu nhìn chung đỡ tốn kém hơn các mùa khác (nhớ trừ Thuỵ Sĩ ra vì đây lại là mùa đất nước giàu có đắt đỏ này ăn nên làm ra và chặt chém tận cùng với du khách :))).

Kết luận: Du lịch châu Âu mùa nào cũng có cái đẹp riêng, quan trọng là bạn có đủ thời gian và “Bác Hồ” để khám phá được hết hay không :”>

Lên lịch trình du lịch châu Âu tự túc

Trừ khi bạn đang sống ở châu Âu và có thể tạt ngang ngửa bất kỳ một đất nước nào miễn bạn có thời gian; Trừ khi bạn sống tại Việt Nam nhưng tài khoản ngân hàng lúc nào cũng dao động ở mức trên 9 số 0 và không bao giờ phải lo về vấn đề “đầu tiên – tiền đâu”; còn nếu không thuộc hai đối tượng trên (và cơ bản giống như cháu Kịt) thì chuẩn bị lịch trình có thể xem là khâu quan trọng nhất cho một chuyến du lịch châu Âu tự túc.

Những lưu ý khi lên lịch trình chi tiết

Có nhiều người dành hẳn 1  tới 2 tháng và gần như toàn bộ tiền tiết kiệm để đi hết châu Âu trong 1 lần. Tuy nhiên với trường hợp của Kịt, chỉ thu xếp nghỉ tối đa 2 tuần và có sự giới hạn về chi phí, Kịt sẽ lên một lịch trình đảm bảo được 03 yếu tố:

–  Không quá rắc rối về cung đường để hạn chế thời gian di chuyển: Cố gắng lựa chọn những đất nước gần nhau để có thể di chuyển bằng phương tiện tàu xe thay vì máy bay. Máy bay thì nhanh nhưng nội thời gian di chuyển ra sân bay (thường nằm ở xa khu trung tâm) + xếp hàng check in + chờ boarding đã mất ít nhất nửa ngày.

Thêm nữa, thời gian có hạn thì đừng chọn một phát các đất nước nằm ở đủ các thái cực kiểu Thuỵ Điển – Bồ Đào Nha – Hy Lạp nếu bạn không muốn phần lớn chuyến đi của mình là nằm ngồi trên tàu xe. Nên đi theo mấy group các nước gần nhau kiểu Pháp – Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha, Pháp – Đức – Hà Lan, Thuỵ Sĩ – Ý – Santorini (Hy Lạp)….

–  Đảm bảo thời gian cho mỗi địa điểm để tránh việc “cưỡi ngựa xem hoa”: Đây là “kim chỉ nam” trong tất cả các chuyến du lịch của Kịt nói chung, không chỉ riêng cho du lịch châu Âu. Một chuyến đi không đủ để hiểu nhưng đủ để yêu, và muốn yêu thì phải dành thời gian tìm hiểu khám phá chứ không đơn giản chỉ là cuộc viếng thăm chớp nhoáng nhằm mục đích check-in.

Trừ những điểm đến mang tính đơn lẻ kiểu làng cổ Hallstatt, hầu hết mỗi thành phố Kịt đều dành ít nhất 3 ngày để trải nghiệm thiên nhiên, con người lẫn văn hoá (nhiều nơi còn cảm giác 3 ngày vẫn quá ít ỏi :'(  ).

– Có sự đa dạng phong phú về điểm đến để tránh cảm giác nhàm chán trong những ngày cuối cuộc hành trình: Yếu tố này hoàn toàn mang tính chủ quan cá nhân Kịt, bởi thực tế vẫn có rất nhiều người lựa chọn những điểm đến cùng một chủ đề (ví dụ cả chuyến đi chỉ tập trung thăm quan những nước thuộc khối Đông Âu).

du lich thuy si tu tucThuỵ Sĩ là một trong những nước ấn tượng nhất đối với Kịt bởi vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo và hùng vĩ

Lịch trình tham khảo

Kịt mong muốn một chuyến đi có sự thay đổi về phong cách, có cả hiện đại lẫn cổ kính, có cả thiên nhiên hoang sơ lẫn công trình kiến trúc hoành tráng, có sự tấp nập ồn ào của một đô thị lẫn sự thanh vắng tĩnh mịch của một thị trấn.

Vậy nên trong chuyến đi tháng 08/2018 kéo dài 2 tuần, sau rất nhiều lần cân đong đo đếm, Kịt đã lựa chọn ra 4 điểm chính gồm: Budapest – thủ đô của Hungary với vẻ đẹp tiêu biểu của những nước Đông Âu cũ; Interlaken + Zurich Thuỵ Sĩ với vẻ đẹp thuần khiết tuyệt đối của thiên nhiên; Amsterdam – thủ đô của Hà Lan náo nhiệt, hiện đại và đầy tươi mới; làng Hallstatt – “viên ngọc nước Áo” luôn nằm trong danh sách những ngôi làng cổ đẹp nhất trên thế giới.

Thật ra ban đầu Kịt định lựa chọn cung đường Ý – Santorini – Thuỵ Sĩ (vậy nên mới chốt đi vào cuối tháng 8 để tránh cái nắng nóng oi bức của Italia). Nhưng sau nhiều cân nhắc, Kịt đã quyết tâm chuyến đi lần này phải có Hà Lan và Hallstatt, vậy nên lịch trình chính thức đã xoay hẳn 180 độ. Xin hẹn cung đường Thuỵ Sĩ – Ý – Santorini vào một dịp khác bởi dù sao Kịt cũng đã có lời hứa sẽ trở lại Thuỵ Sĩ vào một ngày không xa.

Dưới đây là lịch trình chi tiết chuyến đi 13 ngày của Kịt để bạn tham khảo:

Thời gian/ngày Chi tiết hoạt động
Ngày 1: 24/08/2018 1g30 đêm: Bay Hanoi – Budapest
12g45:  Đến Budapest (Budapest cách Hà Nội 5 tiếng)
15g: Check in hotel;  đi tuyến tàu điện số 2 thăm toàn cảnh Budapest; đi bộ dọc bờ sông bên Pest và khám phá các khu Ruin Pub
Ngày 2: 25/08/2018 Khám phá bờ Buda: Qua cầu Xích thăm lâu đài Buda Castle, Pháo đài Ngư Phủ, Nhà thờ Matthias, đồi Gellert
Ngày 3: 26/08/2018 Khám phá bờ Pest: Tòa nhà quốc hội Hungary, Thánh đường St. Stephen, đại lộ Andrássy, tắm khoáng ở Széchenyi
Ngày 4: 27/08/2018 Sáng đi chợ Trung Tâm (Nagycsarnok), đi tàu dọc sông Danube
15g40: ĐI tàu từ Budapest về Salzburg (Áo)
21g;  Đến Salzburg, ngủ đêm tại Salzburg
Ngày 5: 28/08/2018 Đi làng Hallstatt, chiều tối về lại Salzburg ngủ đêm
Ngày 6: 29/08/2018 11:56: Đi tàu từ Salzburg đến Interlaken, Thuỵ Sĩ
19:57: Đến Interlaken OST, check in khách sạn
Ngày 7: 30/08/2018 Từ Interlaken đi thăm thị trấn núi Lauterbrunnen, sau đó đi cáp treo thăm làng Murren. Thăm tiếp làng Gimmelwald. Chiều tối về lại Interlaken
Ngày 8: 31/08/2018 Khám phá khu trung tâm thành phố Interlaken, thăm hồ Brienz, chiều quay lại thành phố rồi lên Harder Kulm ngắm hoàng hôn.
Ngày 9: 01/09/2018 13g: Di chuyển về thành phố Zurich.
15g: Thăm quan khu trung tâm của Zurich.
20g55: Bay đến Amsterdam – Hà Lan.
22g30: Tới Amsterdam, về hotel check in nghỉ đêm
Ngày 10: 02/09/2018 Sáng sớm thăm làng cối xay gió Zaanse Schans, sau đó di chuyển về làng chài Volendam. Ăn trưa tại làng chài. Đầu giờ chiều di chuyển về khu trung tâm Amsterdam Central
Ngày 11: 03/09/2018 Đi thăm làng cổ Giethoorn (cách trung tâm 150km). Chiều quay về tiếp tục khám phá khu trung tâm Amsterdam Central
Ngày 12: 04/09/2018 Sáng thăm quan khu vực Zaandam ngay cạnh khách sạn.
15:20: Di chuyển ra sân bay Schiphol bay về Việt Nam.
Ngày 13: 05/09/2018 13:15: Về Việt Nam (Hà Nội cách Amsterdam 5 tiếng đồng hồ)

Kinh nghiệm xin visa du lịch châu Âu tự túc

Trừ một số nước phải xin visa riêng như Nga, Anh, còn lại bạn sẽ cần xin visa schengen để  được nhập cảnh khối Schengen gồm 26 nước. Có một số lưu ý mà dân du lịch hay chia sẻ cùng nhau liên quan đến visa schengen, bạn có thể tham khảo như dưới đây:

Xin visa nước nào dễ nhất và khó nhất?

Thông thường Pháp và Ý là hai quốc gia mà dân du lịch hay lựa chọn vì tỷ lệ pass cao, thủ tục giấy tờ không quá phức tạp, quy trình nhanh gọn nhẹ.

Bên cạnh đó, nên lưu ý một số nước thường khó khăn với người Việt Nam trong việc xin visa bao gồm: Đức (nước này giới hạn về thời gian lưu trú), các nước Đông Âu như Séc, Ba Lan vì người Việt hay trốn ở lại lao động.

Xin visa nước nào khi chuyến đi của bạn có nhiều địa điểm?

Với visa du lịch tự túc (như trường hợp của Kịt), bạn có hai cơ sở để lựa chọn xin visa:  Nước bạn sẽ nhập cảnh đầu tiên hoặc nước mà bạn dành nhiều thời gian lưu trú nhất trong cả chuyến đi (có chứng minh bằng booking khách sạn). Tuy nhiên lưu  ý, một số nước (ví dụ Đức) sẽ không cho bạn nhập cảnh nếu bạn không có visa của nước này.

du lich lang hallstatt tu tuc

Có thể “lách luật” khi lựa chọn nước xin visa?

Câu trả lời là Có, và áp dụng thẳng luôn với trường hợp của Kịt. Tuy nhiên đây là một case mang tính cá nhân, Kịt chia sẻ để mọi người tham khảo chứ luôn recommend mọi người cứ đúng rule, đúng quy trình mà làm.

Nếu đọc ở phần trên (lịch trình du lịch châu Âu tự túc), bạn sẽ thấy các nước mà Kịt lựa chọn không nằm trong danh sách những nước dễ xin visa. Tuy nhiên, do đây là lần đầu xin visa schengen (không tính du lịch nước Nga trước đó), Kịt vẫn muốn đảm bảo sự an toàn nên đã quyết định lựa chọn nước Pháp.

Pháp luôn đứng số 1 về sự “dễ dãi” với visa schengen, chưa kể năm 2018 các bạn Pháp vừa vô địch World Cup nên Kịt đã tràn trề hy vọng ĐSQ Pháp cũng chung niềm vui mà nương tay với dân du lịch. (Và quả nhiên ĐSQ thoải mái tính hơn thật, chỉ mất có 4 ngày tính cả ngày lên trụ sở của agency nộp hồ sơ là Kịt đã có kết quả pass visa).

Pháp không nằm trong lịch trình thực tế của Kịt, bởi vậy trước hôm nhập cảnh vào Budapest, Kịt đã làm một lịch trình giả + booking khách sạn tại Pháp (chọn hình thức pay later and free cancellation) để chứng minh Pháp là nơi mình sẽ lưu trú dài nhất trong cả chuyến đi. Khi nào chính thức nhập cảnh ở Budapest thì tiến hành huỷ các booking khách sạn ở Pháp.

Đã cẩn thận in đầy đủ lịch trình (bản pha-ké) và booking khách sạn các nơi (bao gồm cả Pháp pha-ké), cũng ngồi học thuộc lịch trình và chuẩn bị các câu trả lời cần thiết phòng khi hải quan tra hỏi, cuối cùng khi nhập cảnh Budapest, bác gái người Hungary chỉ nở nụ cười thân thiện rồi cho Kịt qua mà không có chất vấn câu chi.

Vthủ tục quy trình và chuẩn bị giấy tờ xin visa Pháp, bà con có thể tham khảo bài viết chi tiết riêng theo link dưới đây:

Tổng hợp kinh nghiệm xin visa Pháp tự túc

Vé máy bay, vé tàu đi châu Âu

Sau khi chốt thời gian + lịch trình, bà con sẽ tới bước (thường là) tốn kém nhất trong mỗi chuyến du lịch: Di chuyển.

Vé máy bay từ Việt Nam đến các nước thuộc khối Schengen

Đầu tiên là mua vé máy bay chặng chính đi và về Việt Nam. Từ Việt Nam có một số các chuyến bay thẳng đến các thành phố chính của Ý, Pháp, Đức…, và bạn hoàn toàn có thể săn được vé VNA trong hai dịp khuyến mãi lớn nhất của hãng này là “Chào hè” và “Chào thu”. Ngoài hai dịp này ra có thể có một số dịp giảm giá đặc biệt, ví dụ hiện tại là chào Covy, chào corona nên giá cũng rẻ vô cùng =))) (Nhân dịp viết bài này khi đang ru rú ở nhà chống dịch Corona).

Nếu không tìm được vé bay thẳng, bạn cũng đừng lấy làm mệt mỏi vì thật ra transit không tệ chút nào. Bạn sẽ không phải tù túng trên không gian của một chiếc máy bay suốt mười mấy tiếng, thay vào đó được xuống sân bay, đi lại, tự do “mở khoá vũ trụ” (aka đi WC) hoặc thậm chí shopping ở các sân bay miễn thuế.

Bạn có thể lựa chọn trên các trang tổng hợp kiểu Skyscanner để biết hãng nào giá rổ hợp lý nhất, thời gian OK nhất. Như trường hợp của Kịt, do đã lên lịch trình khá chi tiết nên Kịt chủ động search luôn chuyến Hà Nội – Budapest Amsterdam – Hà Nội, tìm xem ngày nào giá rẻ nhất thì book luôn.

Trong chuyến đi tháng 08/2018, Kịt lựa chọn hãng Emirates và transit tại Dubai. Dịch vụ tốt, máy bay OK, đồ ăn không tệ, đặc biệt các bạn tiếp viên giọng nói ngọt ngào rất nâng niu các quý khách =)))

Vé máy bay giữa các nước trong khối Schengen

Trên mạng recommend rất nhiều hãng giá rẻ trong khuôn khổ các nước châu Âu, có thể liệt kê ra: Ryanair và Easyjet (hai hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu); Transavia; Airberlin; Vueling; … Nếu đặt sớm hoặc đúng thời điểm, có những lúc bạn có thể tìm được những tấm vé giá chỉ vài euro (quá hời luôn ạ).

Tuy nhiên những hãng giá rẻ này thường có quy định khá ngặt nghèo về hành lý lẫn dịch vụ (mà đi châu Âu thì chả có ai không xách theo vali ít nhất size M). Vậy nên bà con nên cân nhắc tổng thiệt hại trước khi đưa ra quyết định hãng nào thật sự là tiết kiệm nhất.

Trong chuyến đi của mình, Kịt phần lớn là di chuyển bằng tàu, chỉ có duy nhất chặng Zurich (Thuỵ Sĩ) – Amsterdam (Hà Lan) là bay vì khoảng cách tương đối xa. Lần ấy mình cũng search trên skyscanner và cuối cùng lựa chọn Swiss Airlines của Thuỵ Sĩ. Có ăn nhẹ trên máy bay, đã bao gồm ký gửi.

Vé tàu giữa các nước thuộc khối Schengen

Di chuyển bằng tàu luôn là lựa chọn yêu thích nhất của Kịt, dù là châu Âu châu Á hay châu nào đi nữa (miễn là châu đó có tàu). Lên lịch trình càng chi tiết và chính xác sẽ giúp bạn chủ động tuyệt đối về việc mua vé tàu, vừa tiết kiệm được chi phí khi không phải mua sát giờ mà cũng không lo việc hết vé.

Các ga tàu phần lớn nằm ở trung tâm thành phố, không mất nhiều thời gian di chuyển. Không tốn thời gian check in như ở sân bay, tới ga lên tàu đúng giờ đúng chuyến, vô cùng dễ dàng, Chưa kể đi tàu không bị chật hẹp bó buộc như xe bus, có thể đứng lên đi lại, đói khát thì đã có người bán đồ ăn, cảnh hai bên đường thì đẹp phê như con tê tê.

kinh nghiem du lich chau au tu tucNhững khung cảnh thường xuyên bắt gặp khi ngồi tàu và đi từ đất nước này sang đất nước khác ở châu Âu

Mỗi nước của Schengen đều có trang web tàu quốc gia, bạn có thể vào đặt mua online nếu chặng của bạn có điểm đến/điểm đi của nước đó. Đặt trực tiếp từ website tàu quốc gia sẽ giúp bạn tiết kiệm được những khoản phụ phí như đặt qua các đại lý du lịch.

Dưới đây là danh sách các website để bạn tham khảo:

Ý:  https://www.trenitalia.com/ Ba Lan: https://www.polrail.com/ 
Thuỵ Sĩ: https://www.sbb.ch/ Thuỵ Điển: https://www.sj.se/
Pháp: https://en.oui.sncf/ Na Uy : https://www.vy.no/
Tây Ban Nha: https://www.renfe.com/ Bỉ: http://www.belgianrail.be/
Đức: https://www.bahn.de/ Czech:  https://www.cd.cz/eshop/
Hà Lan: https://www.ns.nl/ Phần Lan:  https://www.vr.fi/ 
Anh: https://www.nationalrail.co.uk/ Đan Mạch: https://www.dsb.dk/
Hungary: https://www.mavcsoport.hu Bồ Đào Nha: https://www.cp.pt/
Áo: https://www.oebb.at/ Ireland: https://www.irishrail.ie/

(*) Note:

– Việc phải thường xuyên chuyển tàu khi di chuyển giữa các thành phố trong các quốc gia châu Âu là chuyện hết sức bình thường. Sẽ có những chuyến đổi tàu mà bạn phải di chuyển từ trạm dừng này đến trạm dừng khác và thời gian tương đối eo hẹp (có khi chỉ 5 đến 6 phút), hãy chú ý khẩn trương hết mức có thể.

Ví dụ cụ thể như trường hợp của cháu bé Kịt: Trên chặng đi từ Salzburg (Áo) đến Interlaken (Thuỵ Sĩ) kéo dài đến gần 8 tiếng, cháu bé Kịt đã đổi 4 lần tàu + 1 lần bus. Khi đặt vé xong, Kịt theo chỉ dẫn của email để tới được hành trình chi tiết như dưới đây, trong đó có chặng tại Bern là mình chỉ có 6 phút để di chuyển từ Platform 5 đến Platform 4.

Tất nhiên là khi đi thực tế thì khoảng cách của hai Platform này không hề xa nhau, chỉ mất 2 3 phút di chuyển. Tuy nhiên đó là lúc bạn đã thông thuộc quãng đường và không ở trạng thái vừa đi vừa tìm.

Một ví dụ về vé tàu tại châu Âu (cụ thể ở đây là hãng tàu OEBB của Áo)

Vậy nên lời khuyên là trước mỗi chuyến tàu dài hãy chủ động đọc kỹ lịch trình thậm chí cẩn thận search trước vị trí trạm dừng ở đâu để xuống tàu cái là alehap đi luôn.

– Điểm thứ hai cần lưu ý: Nếu không may trong các chặng dừng, có 1 chuyến tàu đến muộn khiến bạn bị trễ toàn bộ các chuyến còn lại, hãy mang vé đến gặp bên ga tàu để họ trợ giúp. Họ sẽ đóng dấu hoặc take note hoặc in vé mới, túm lại là làm mọi cách để bạn có thể đi tiếp trong các chuyến tiếp theo.

Back lại với ví dụ của Kịt là chặng Salzburg – Interlaken (khổ vì chặng dài quá nên cháu Kịt cũng có biết bao kinh nghiệm xương máu từ đây). Sau 1 lần đổi bus và tới Bludenz Bahnhof, tàu đã tới trễ tận 20 phút. Bởi vậy mà khi tới chặng tiếp theo Sargans, Kịt đã không đủ thời gian để di chuyển đến platform mới đi Zurich.

Lúc này cháu bé và zai nhà đã lọ mọ tới khu vực customer service aka phòng bán vé để claim. Nhân viên rất tử tế đã in vé mới thậm chí còn ghi note cụ thể trên tờ giấy A4 mà Kịt in ra cầm theo suốt hành trình.

Bài học rút ra: Hệ thống tàu châu Âu rất xịn xò và gắn kết, dù là các hãng tàu ở các nước khác nhau thì bạn vẫn luôn được support nhiệt tình!

kinh nghiem du lich chau au tu tuc

Tranh thủ lúc chờ tàu chụp vài kiểu sống ảo vì các đường tàu ở châu Âu cũng rất nghệ :”>

Khách sạn/hostel tại châu Âu

Sau khi xong hết các bước lên lịch trình, xin visa, chuẩn bị phương tiện di chuyển là khâu tìm khách sạn cho từng thành phố/ địa điểm bạn sẽ tới. Các trang web phổ biến như Agoda, Booking.com hay Airbnb vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của Kịt. Ai chưa có tài khoản airbnb có thể đăng ký qua link này sẽ được giảm 35$ trong lần book đầu tiên!

Tuỳ từng thành phố mà bạn có thể xem xét tìm nhà ở trang web nào. Ví dụ như Budapest(Hungary), Airbnb sẽ là sự lựa chọn tốt nhất khi bạn có thể tìm được rất nhiều căn hộ giá rổ hợp lý lại nằm ngay khu trung tâm, chỉ cách bến tàu xe vài phút đi bộ.  Tuy nhiên khi tới Thuỵ Sĩ hay Hà Lan (đặc biệt là thủ đô Amsterdam), rất khó để tìm được những căn hộ Airbnb có vị trí tốt.

Cố gắng tìm khách sạn/căn hộ ở gần khu trung tâm, phòng khi cần quay về khách sạn lấy đồ/nghỉ ngơi/… sẽ không mất thời gian.  Trừ một số thành phố mà giá thuê phòng khu trung tâm quá đắt đỏ như thủ đô Amsterdam của Hà Lan hay thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, bạn có thể lựa chọn khu xa hơn nhưng chỉ nên cách dưới 15 phút tàu chạy.

Chi phí tham khảo cho chuyến du lịch châu Âu tự túc 2 tuần

Chi phí cho một chuyến du lịch châu Âu tự túc là rất vô cùng, bởi nó sẽ có sự chênh lệch lớn tuỳ vào số ngày bạn đi và tuỳ vào đất nước bạn lựa chọn tới. Sẽ có những đất nước mà vật giá hạt dẻ kiểu Hungary, Ba Lan, Bulgari và cũng có những nước mà giá cả chặt chém như trên trời (đứng đầu chắc có lẽ là Thuỵ Sĩ).

Lời khuyên dành cho anh em muốn có một chuyến du lịch tiết kiệm nhất là hãy có sẵn một lịch trình chi tiết trước lúc lên đường. Cố gắng là trước lúc đi, mọi chi phí về khách sạn, di chuyển đã được xử lý xong hết.

Còn dưới đây là chi phí tham khảo cho chuyến du lịch 2 người trong gần 2 tuần của Kịt (hành trình cụ thể xem ở mục trước):

Hạng mục Chi phí (VND)
1. Visa
Công chứng + dịch công chứng các thể loại giấy tờ 1tr
Mua bảo hiểm du lịch 700k
Phí nộp visa 4,5tr
2. Vé máy bay
Vé chặng Hà Nội – Budapest  và Amsterdam – Hà Nội 42tr
Vé chặng Zurich – Amsterdam 4tr
3. Vé tàu
Vé tàu Budapest – Salzburg 2tr
Vé tàu Salzburg – Interlaken 2tr
Vé Interlaken – Zurich 1tr
4. Khách sạn/Nơi ở
Budapest (3 đêm) 4tr
Salzburg (2 đêm) 4,5tr
Interlaken (3 đêm) -> thấy Thuỵ Sĩ đắt gấp đôi Budapest chưa ạ ~ 8,5tr
Amsterdam (3 đêm) 6,5tr
5. Các chi phí khác
Sim dùng tại châu Âu 1,4tr
Voucher đi làng Giethoorn (Hà Lan) 1,3tr
Chi tiêu trong chuyến đi (ăn uống, di chuyển ngoài, mua vé vào cửa các khu thăm quan…), trung bình mỗi ngày 3tr. Có những ngày chủ yếu di chuyển nên không tiêu tốn nhiều, nhưng cũng có những ngày như ở Thuỵ Sĩ mức chi tiêu vượt hơn hẳn. 40tr

Tổng chi phí là 124tr/2 người, trung bình mỗi người 62tr.

Đây là mức chi phí cho chuyến đi theo chủ trương không quá tiết kiệm của Kịt. Khách sạn hay căn hộ mình lựa chọn ở các thành phố đều có tiện nghi khá ổn, vị trí gần sát ga tàu. Ngay cả vé máy bay cũng không phải mua ở thời điểm có khuyến mãi.

Khoản ăn uống thì focus ăn ngon trong 1 bữa (thường là bữa tối). Bữa sáng + bữa trưa ăn nhanh để có thời gian đi chơi và nhân tiện còn thưởng thức street food nếu có.

Những chuẩn bị khác khi du lịch châu Âu tự túc

–  Mua sim: Khối liên minh Schengen có hệ thống phủ sóng internet tương đối đồng bộ. Bạn có thể mua sim 4G sử dụng được ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Tham khảo sim tại Klook, dùng trong 30 ngày với hai mức dung lượng 5GB và 12GB tại ĐÂY:

Đổi tiền: Chắc chắn du lịch châu Âu phải đổi tiền Euro. Tuy nhiên lưu ý khá nhiều thành phố hoặc đất nước trong hệ thống Schengen không phổ biến dùng tiền Euro.

dụ tại Thuỵ Sĩ, trừ một số thành phố lớn nhiều khách du lịch như Zurich, các khu vực khác vẫn prefer sử dụng đồng Franc (CHF) của riêng Thuỵ Sĩ. Hoặc tại Hungary, người dân vẫn chủ yếu tiêu đồng Forint (viết tắt là Ft hoặc HUF) của đất nước này.

Trước chuyến đi, hãy tìm hiểu xem đất nước bạn tới có nơi nào tiêu đồng tiền khác Euro không. Nếu có, nên đổi trước một ít tại Việt Nam để có được tỷ giá tốt hơn. Đặc biệt là Thuỵ Sĩ, nếu trong hành trình của bạn có đất nước này, hãy đổi trước tiền Franc (CHF). Tỷ giá đổi đồng Franc tại Việt Nam không chênh nhiều với đồng Euro, nhưng nếu đổi trực tiếp tại Thuỵ Sĩ thì rất thiệt (euro mất giá hơn hẳn, chưa kể còn bị tính phí).

Dịch vụ WC công cộng: Nhiều thành phố tại châu Âu charge phí của bạn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Do đó, hãy chuẩn bị sẵn các đồng xu lẻ phòng khi cần thiết.

Ăn uống: Cũng giống nNhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các cửa hàng tiện lợi tại châu Âu rất phổ biến, bạn có thể ăn sáng hoặc ăn nhanh bữa khi không có thời gian. Hệ thống fast food kiểu Burger King hay McDonalds nhiều vô kể (tới mức về Việt Nam Kịt sợ luôn hai hãng này).

Nếu thuê nhà ở Airbnb, bạn có thể ghé vô siêu thị mua đồ tự nấu nướng cũng rất tiết kiệm (mà vui nữa), tranh thủ khảo sát xem vật giá các mặt hàng thiết yếu ở châu Âu có chênh lệch nhiều so với Việt Nam mình không.

Trên đây là một số những lưu ý cơ bản cần thiết cho một chuyến du lịch châu Âu tự túc. Ngoài ra, chi tiết của từng chặng đến thăm từng thành phố, đất nước, các bạn có thể tham khảo thêm ở các bài viết riêng lẻ như dưới đây:

You Might Also Like...