TRIP WITH KIT
Châu Á Đông Nam Á

[Du lịch Bali tự túc] Kỳ 2: Bản hòa ca tôn giáo và tự do!

6 ngày tại Bali, có những ngày phóng xe máy đi từ sáng đến tối mịt. Có những ngày mở mắt lúc 2g để chuẩn bị chặng đường trekking xuyên đêm. Cũng có cả những ngày thong dong nhàn rỗi nghe nhạc chơi bài tại resort.

Bài viết có 2 kỳ:
Kỳ 1: Lịch trình, chi phí và các chuẩn bị khác

Kỳ 2: Review chi tiết chuyến đi 6 ngày 5 đêm

Tui sẽ không gọi Bali là hòn đảo thiên đường, vì nó không thiên đường như tui tưởng tượng. Tui cũng không thấy nó quá xinh đẹp như người ta nâng tầm ca ngợi, có lẽ dừng ở mức đa dạng phong phú thú vị mà thôi. Nhưng vì bản thân trước chuyến đi không kỳ vọng nhiều vào cảnh đẹp mà hy vọng nhiều vào trải nghiệm cảm xúc, nên kết thúc cuộc hành trình tự bản thân thấy cũng đã lưu giữ đủ những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất này.

Một góc nhỏ xinh xắn tại resort Le Yanandra <3

Vậy nên một lời nhận xét chung nhất: Bali vẫn là hòn đảo đáng mến đáng yêu, bạn hãy đi nhân cơ hội nơi đây chưa đông đúc du khách trở lại nhé! (Và nhớ đi tự túc để cảm nhận trọn vẹn cái vibe “Em ơi đi trốn với anh”, chứ đi tour thì 10000% là chán ốm).

Ngày 1: Hà Nội – Bali, check in villa tại Ubud

Nhóm Kịt khởi hành vào 1/9, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ vốn luôn kinh hoàng với đặc sản tắc đường. Vậy nên dù 10g30 sáng mới có chuyến bay nhưng cả 4 đứa đều chủ động ra sân bay từ rất sớm. May quá hôm nay cảng Nội Bài quốc tế không đông đúc quá tải như bên nội địa. Check in xong xuôi cả lũ còn vào bên trong đánh chén hết một hộp xôi thịt chả trứng mua từ tờ mờ sáng để lấy sức cho chặng bay dài. Đúng kiểu dù bây giờ không còn du lịch bần hàn keo kiệt như hồi sinh viên nhưng vẫn không muốn cống tiến cho VJA bởi đồ ăn vừa dở vừa đắt =)))

Lâu lắm rồi mới bay VJA, nhìn chung với các chặng bay quốc tế một ngày chỉ có 1 chuyến nên hãng Delay Airline này cũng không mấy khi hủy trễ. VJA cũng không có các dịch vụ serve đồ ăn nước uống như các hãng bay khác, thôi cũng là một điểm thuận tiện cho Kịt vì tui có thể ngủ 1 giấc liền mạch say sưa mà không bị ai đánh thức.

Tầm 16g30 (giờ Indo, đi trước Việt Nam 1 tiếng), máy bay đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bali Ngurah Rai. Do đã mua sim qua trang Klook nên cả nhóm mất thêm tầm 15 20 phút để tìm vị trí đứng của nhân viên. Ngay trong sân bay cũng có rất nhiều quầy bán sim, quầy đổi tiền phục vụ từ A đến Z cho bà con nào chưa chuẩn bị trước.

Hoàn tất xong các thủ tục linh tinh, 4 đứa ra ngoài và lên xe ô tô đã đặt sẵn qua bạn chủ nhà Villa Ubud. Mất gần 1 tiếng rưỡi tính cả thời gian kẹt xe mới về được đến Lavina Ubud Villas. Căn hộ xinh xắn với 2 phòng ngủ, 2 nhà tắm, 1 phòng khách bao gồm bếp và cả bể bơi riêng quả thật quá rẻ cho cái giá 570k/người/đêm. Nhà cửa ở Bali tiện nghi đầy đủ mà giá cả hợp lý hơn hẳn so với Việt Nam ạ.

Căn villa xinh xắn tại Ubud

Lavina Ubud Villas nằm cách phố trung tâm Ubud tầm 5km nên di chuyển tương đối thuận tiện. Cả nhóm tìm một quán ăn local có tên Wayan’s Warung Ubud cách đó không xa rồi đến nơi bằng ứng dụng đặt xe Gojek. Sau một ngày di chuyển khá mệt mỏi, 4 cháu bé chờ đón bữa tối với tất cả sự hân hoan và bao dung nhất có thể =))) Cũng may là đồ ăn ở quán này khá hợp khẩu vị người Việt mình, nhất là món sườn siêu to siêu rẻ. Sau này ăn uống nhiều ở Bali mới nhận ra thịt sườn, thịt beefsteak ở Bali rẻ hơn hẳn so với Việt Nam, trong khi rau mà nhất là salad thì đắt ngang các món thịt.

Wayan’s Warung Ubud nằm ở ngoài trời có mái che, xinh xắn đáng yêu từ decor đến nhân viên niềm nở. Mỗi tội dân ở đây có vẻ sống chậm, làm cái gì cũng thong thả lâu la nên ngồi chờ mốc mồm 4 cháu bé mới được phục vụ đồ ăn.

Buồn cười nhất là lúc gọi đồ uống, Kịt order nước lọc (vầng trông tui ăn chơi nhảy múa vậy thôi chứ đi du lịch hay ở nhà toàn uống nước lọc cho healthy=))). Nhân viên hỏi rõ cỡ nhỏ hay cỡ to, Kịt cũng thỏ thẻ size nhỏ vì người có một mẩu cao chưa đến met 6. Đến lúc bê đồ ra, nhân viên mang nguyên cho Kịt 1 chai nước đóng chai cỡ vừa.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu tầm 5 10 phút sau có 1 đoàn các bạn Tây balo tiến vào nhà hàng và trong thời gian chờ đồ ăn cũng gọi nước lọc nhưng lỡ mồm order cỡ đại. Và tới đây chắc các bạn không ngờ sẽ nhận về những chai Aqua to tổ bố như ảnh dưới đây =)))

Nói thêm là lúc Kịt ăn xong đứng dậy trả tiền thì đoàn Tây balo này vẫn chưa uống hết được 1 chai (Thôi thì tiện mua dùng cho cả chuyến đi luôn nhé các bạn =))). Bài học rút ra là sang ăn ở nhà hàng Bali có gọi nước lọc thì order size nhỏ cho đỡ bị hố nha bà con!!!

Ngày 2: Đền Ulun Danu Beratan – Cổng trời Handara –  Thác Banyumala – Ruộng bậc thang Jatiluwih (bỏ)

Lịch trình hôm nay khá mệt vì cả nhóm sẽ di chuyển lên mạn Bắc để khám phá một loạt các điểm thăm quan nổi tiếng. Từ Lavina Ubud Villas đến nơi gần nhất cũng mất gần 1 tiếng rưỡi nên cả nhóm đặt bạn chủ nhà phục vụ đồ ăn sáng lúc 8g (villa service tốt ghê đặt qua Airbnb mà có bao gồm luôn cả ăn sáng, người ta sẽ tới tận nhà nấu sẵn cho mình).

Bữa sáng được chuẩn bị sẵn ngay tại villa cho 4 bạn già

Tuy nhiên do chưa biết dân Bali sống chậm nên khi mình bảo 8g ăn sáng, người ta lại hiểu 8g mới lục đục tới nấu đồ ăn. Cuối cùng mãi đến 9g kém 4 cháu bé mới được ăn, khiến việc xuất phát chậm hơn kế hoạch gần 1 tiếng (cũng là nguyên nhân cả nhóm không kịp đi thêm ruộng bậc thang Jatiluwih nằm trên cung đường này).

Nhận xe máy được đặt trước từ chủ nhà, đoàn của Kịt bắt đầu bon bon trên cung đường đầu tiên khám phá hòn đảo Bali. Không giống với quãng đường từ sân bay về Ubud ngày hôm qua toàn phố thị hiện đại, chặng từ Ubud lên trên mạn phía Bắc đi qua rất nhiều ruộng bậc thang, khu rừng nhiệt đới và đền đài linh thiêng.

Với đặc trưng khí hậu miền núi cao ẩm ướt, Ubud thật sự là thủ phủ của những cánh rừng mưa nhiệt đới xanh tươi. Bên cạnh đó, đúng là phải rong ruổi trên từng km mới hiểu vì sao Bali được xem là mảnh đất của thần linh, nơi mà những sắc màu đặc trưng của Hindu giáo in dấu trên từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ của hòn đảo này. Không giống như Angor Wat ở Siem Reap nằm tách biệt hẳn trong những khu rừng đại ngàn, tại Bali bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hơi thở của tôn giáo qua từng ngôi đền hay ngôi nhà cổ nằm đan xen giữa cuộc sống thường ngày của người dân.

Đời sống tinh thần của người Bali gắn liển với các nghi lễ tôn giáo từng giờ từng phút.

Đền Ulun Danu Beratan là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình. Ulun Danu trong tiếng Indo có nghĩa là “nơi bắt đầu của hồ”, và điểm nhấn ấn tượng nhất của quần thể di tích này cũng là hình ảnh ngôi đền soi bóng xuống hồ Bratan một cách đầy nghệ thuật. Kiến trúc của đền chính có vẻ là sự giao thoa giữa đạo Hindu và đạo Phật (kiểu tòa bảo tháp nhìn không giống lắm với những công trình thuần Hindu giáo). Rải rác quanh khuôn viên là những cổng trời tách đôi hay còn gọi là Candi Bentar – biểu tượng đặc trưng nhất của hòn đảo Bali. Một lát nữa khi tới thăm cổng trời Handara, Kịt sẽ nói sâu hơn về ý nghĩa của những cánh cổng này nhé.

Khuôn viên của Ulun Danu Beratan khá rộng lớn, bạn cũng không cần phải quấn sarong che chân/vai nếu chỉ đơn thuần dạo bộ xung quanh. Là một trong những nơi linh thiêng nhất tại Bali nên khá nhiều người dân lựa chọn ngôi đền này là địa điểm thực hiện các nghi thức tôn giáo thờ cúng.

Ulun Danu Beratan trong ngày nắng đẹp!

Dành khoảng hơn 1 tiếng lêu hêu tại Ulun Danu Beratan, cả nhóm đi tiếp đến cổng trời Handara cách đó đúng 5 phút chạy xe. Cùng với Lempuyang, cổng Handara cũng là một trong những điểm check-in sống ảo nổi tiếng nhất tại hòn đảo này.

Nhắc đến Bali, không ít người nhớ ngay đến hình ảnh những chiếc cổng Candi Bentar tách đôi mang đầy tính biểu tượng. Được xem là cầu nối giữa thực tại và thế giới tâm linh, hai phần của cổng Candi Bentar có ý nghĩa tượng trưng cho những thứ đối lập, ví dụ sự sống và cái chết, ánh sáng và bóng đêm, thanh xuân và tuổi già, sức khỏe và bệnh tật… Do vậy mà những cánh cổng này luôn đại diện cho sự cân bằng trong vũ trụ, mang tính ẩn dụ đẹp cũng như thấm đẫm triết lý nhân sinh của những người Hindu giáo.

Có 2 lý do mà Kịt lựa chọn cổng Handara thay vì Lempuyang. Thứ nhất là Handara đỡ nổi tiếng hơn nên thời gian xếp hàng chờ tới lượt sẽ đỡ lâu la hơn. Và thứ hai, đây mới là điều quan trọng, Handara ngoài đời không “ảo ma, pha ké” như Lempuyang (Ở kỳ trước Kịt có từng nhắc đến Lempuyang với sự thương mại hóa quá đà, bà con có thể đọc lại ạ). Ít nhất Handara ngoài đời vẫn giống đến 80 90% so với ảnh trên mạng. Còn Lempuyang thì không hề có cái hồ nước to tướng trước mặt, tất cả chỉ nhờ 1 chiếc gương để tạo hiệu ứng mà thôi.

Chiếc cổng được nhân bản vô tính vô cùng ảo ma =))) Nguồn: The vegan abroad

Le ve đến được cổng Handara, cả đoàn chưa kịp bước chân vào khuôn viên đã bị gọi lại để mua vé lấy số xếp hàng. Là một người rất không thích kiểu du lịch “xổi” như thế này, nhưng vì đã cất công đến tận nơi và cũng muốn trải nghiệm thử từ A-Z nên nhóm Kịt cũng đồng ý rút hầu bao. Số thứ tự của 4 đứa là 74, trong khi vào bên trong thì mới le ve ở số 60 61 =_=. Xung quanh thì la liệt đủ các du khách nào Tây nào Tàu nào Ấn và thậm chí cả 1 đoàn các chị em váy vó tung xòe người Việt Nam ngồi chờ tới lượt. Ngay trước cánh cổng là một bạn người local có nhiệm vụ đọc số và hỗ trợ khách du lịch chụp ảnh. Ở đây còn cung cấp cả chụp flycam nếu các bác trả thêm ít xèng.

Ngồi vêu mỏ chờ đợi giữa thời tiết nắng nôi (may mà tiết trời vẫn mát mẻ), cả nhóm quyết định lôi máy ảnh ra tự chụp, lấy góc chếch chếch của cổng trời Handara phía sau. Và thật ngạc nhiên sản phẩm thu được cũng không tệ chút nào, dù tất nhiên không thể ảo lòi như 500 anh em instagram vì Kịt hoàn toàn không giỏi + không thích chỉnh ảnh thái quá.

Chân dung những con người ngồi ườn ra chờ tới lượt chụp ảnh =)))

Em bé này cứ chạy ra bắt chuyện với 4 chị Việt Nam, chắc thấy 4 chị trắng trẻo vui tính nên cũng hớn hở làm quen=))

Tự chụp trong thời gian chờ tới lượt, nhìn ảnh ọt cũng không tệ chút nào :”> (Cần gì cổng phải thẳng đâu =))

Mất đến 45 phút chờ đợi (mà đấy là trước Kịt đã có không ít người bỏ cuộc do phải chờ lâu quá), cuối cùng 4 đứa mới được gọi số để lần lượt diễu binh ra chụp ảnh kỉ niệm với cổng trời. Không biết có phải vì đã hài lòng với những bức ảnh tự chụp trong thời gian ngồi lêu hêu chờ đợi, hay do bản thân đã quá chán ngán với mấy tấm hình công nghiệp như thế này mà 4 cháu bé phi vào chụp một cách vô cùng nhanh gọn.

Thậm chí còn chả thèm tạo dáng tung váy, quay lưng bỏ chạy, oằn èo thổn thức theo kiểu drama queen như các em gái chị gái trước đó =))). Cuối cùng thì vì đi với bạn bè mà 45p ngồi chờ cả lũ còn thấy vui và ý nghĩa hơn 4 phút chụp ảnh cùng chiếc cổng Handara :)))

Tạo dáng du khách đúng kiểu “Thôi làm một cái kỉ niệm rồi xách váy đi về!” =)))

Sau khi trải nghiệm xong một điểm du lịch đầy tính “thương mại hóa”, cả nhóm tiếp tục khởi hành đến điểm thứ 3 trong ngày – thác Banyumala –  một trong những thác nước đẹp nhất tại Bali (nhiều bài viết còn đánh giá nó là No 1).

Thác Banyumala cách cổng trời Handara tầm 10km, nhưng cả bọn phải mất đến 40-50p di chuyển vì quãng đường là sự tổng hòa vô cùng nhuần nhuyễn giữa đường đèo và đường xì tai xổ số lô tô (nghĩa là xóc giật liên tục =))). Trên đường đi Kịt còn thấy rất nhiều “Degea” (Thánh Tôn aka khỉ =))) chơi đùa thoải mái hai bên đường. Thậm chí bọn tui còn đi tiếp qua một cái hồ lớn nữa mang tên Danau Buyan, nhìn xanh trong ngây ngất chẳng khác gì Thụy Sĩ :)))

Mất gần 1 tiếng ê hết cả mông mới tới được vị trí của google map, cả bọn lại phải gửi xe máy và đi bộ thêm 1 đoạn tương đối dài để đến đúng chỗ thác nước. Đoạn leo dốc tuy không quá khó khăn nhưng cũng khiến 3/4 cháu bé lười thể dục thể thao phải vừa đi vừa nghỉ 1, 2 phút. Bây giờ ngẫm lại cũng nhờ những lúc được leo dốc khởi động này mà mấy cháu mới có sức để trekking thành công núi lửa Batur hai ngày sau đó :)))

Thác nước Banyumala tất nhiên không thể so được với thác Bản Giốc nhà mình về độ hoành tráng hùng vĩ. Tuy nhiên Banyumala lại sở hữu hệ thực vật xanh đậm chất nhiệt đới, nhìn rất mát mắt tươi tắn đặc biệt vào những ngày nắng đẹp. Bạn nào hứng thú có thể mang theo bikini xuống tắm và chụp ảnh sống ảo. Hôm Kịt tới cũng thấy mấy bạn Tây quẩy hết mình, không tạo dáng kiểu King Kong gầm rú bên thác thì cũng cong vẹo đủ tư thế trên các phiến đá =))

Banyumala gây ấn tượng với màu xanh ngút ngàn

Do chẳng có nhu cầu tắm giặt ở đây nên chỉ mất tầm 15 phút chụp ảnh ngắm nghía là cả bọn đã quay lại bãi gửi xe. Lúc này Bali đã bước qua khung 5g chiều, chẳng kịp về lại ruộng bậc thang Jatiluwih để đón những ánh nắng cuối ngày lãng mạn. Thôi đành tặc lưỡi đằng nào ngày mai cũng đi thăm ruộng Tegalalang, cả bọn quyết định quay về Ubud để ăn một bữa hoành tráng cho bõ cả ngày chạy xe ê ẩm (quên không bảo hôm nay tụi tui đã nhịn luôn bữa trưa do ăn sáng muộn quá).

Buổi tối ngày thứ 2, nhóm của Kịt chọn Ely’s Kitchen Ubud, một quán ăn cách trung tâm Ubud tầm 2km với khuôn viên và decor rất đẹp. Quán còn xịn xò tới mức cứ thi thoảng đang ăn lại thấy một đoàn các em trẻ đẹp lên biểu diễn phục vụ du khách, múa những vũ điệu truyền thống của người Indo. Đồ ăn tại Ely’s Kitchen Ubud tương đối cao so với vật giá tại Bali, nhưng ngon, ngon và ngon. Vậy là đủ cho các chị già thỏa mãn để kết thúc một ngày thứ 2 tuy mệt mà vui hết nấc!!!

Những món ăn tại Ely’s Kitchen Ubud. Ánh sáng xấu nên chụp lên hơi lổn nhổn tí nhưng mà ăn ngon nha =))

Ngày 3: Ruộng bậc thang Tegalalang – Trung tâm Ubud (Ubud Art Market, Saraswati Temple, Ubud Palace) – Campuhan Ridge Walk (bỏ)

Sau một ngày quần quật chạy xe, Kịt đã lên lịch trình rất nhẹ nhàng để cả đoàn giữ sức cho buổi trekking núi lửa trong ngày tiếp theo. Ruộng bậc thang Tegalalang – một trong những điểm check-in nổi tiếng nhất của Bali là điểm đến đầu tiên trong ngày, chỉ cách villa có tầm 40 phút xe máy.

Ban đầu khi tìm hiểu về Bali, Kịt hoàn toàn không có tí hứng thú gì với cái ruộng lúa này vì nhìn ảnh thấy nó tầm thường hơn vạn lần so với ruộng bậc thang vùng Tây Bắc Việt Nam (chưa kể tui còn là fan cuồng của Hà Giang ạ :”> ). Lịch trình thậm chí còn xếp Tegalalang là điểm đến kiểu 50-50 (còn thời gian thì đi mà kín lịch quá thì bỏ). Nhưng vì hôm qua trót bỏ lỡ ruộng bậc thang Jatiluwih nên ngày thứ 3, cả nhóm đã quyết định đi thử Tegalalang để có cái nhìn khách quan nhất. Cuối cùng sau khi dành hơn 2 tiếng trải nghiệm tại đây, cảm nhận của riêng tui là nó không tệ chút nào 😀

Tegalalang chắc chắn không thể sánh được với ruộng bậc thang Việt Nam về sự hoành tráng. Nhưng Tegalalang trong mắt Kịt vẫn có những nét thú vị, độc đáo riêng, nổi bật trong đó là vô số cây dừa đậm chất tropical. Thời tiết mát mẻ, nắng vừa đủ không gay gắt, chưa kể còn được hưởng nhiều bóng râm của những rặng dừa xum xuê.

Dừa cọ um tùm nhìn xanh mướt thích phết ạ

Trên đường đi xuống khám phá ruộng bậc thang ở đây, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều tiếng mời gọi “Bali swing”, một trò “đu dây” được nối ở 2 đầu trên thân cây dừa. Cùng với những chiếc cổng trời Candi Bentar, Bali swing chính là đặc sản mang tính biểu tượng ở hòn đảo này. Biết bao bức ảnh sống ảo huyền thoại mô típ váy tung xòe + bay giữa thiên nhiên trên insta chính là xuất phát từ trò chơi này ạ (và cũng giống cái cổng trời Lempuyang, 90% các bức ảnh Bali swing như kiểu “nhân bản vô tính”, giống nhau đến kỳ dị :)).

Chưa kể, mấy người dân local kinh doanh dịch vụ này còn rất biết cách làm du khách phấn khích. Mỗi lần đẩy xích đu để du khách được bay lên không trung, họ lại hú lên một tiếng đầy hào sảng. Du khách thấy anh chủ nhiệt tình hú hét cũng mạnh dạn hùa vào hét hú theo =)) Đó là lý do mà trong suốt 1 tiếng lêu hêu đi dạo ở Tegalalang, Kịt lúc nào cũng có cảm giác như đang “đi rừng” vì những âm thanh “chim kêu vượn hú” đầy sống động =)))

 Bali swing chụp lên sẽ như thế này, bác nào không sợ độ cao có thể thử nghiệm và nhớ váy vó tung xòe tạo hiệu ứng nha! Nguồn: threesixtyguides

Chi phí cho một lần chơi Bali swing khá “chát chúa” so với vật giá ở Bali (35USD ~ 800k VND). Bản thân là người sợ độ cao và cũng không quá hứng thú với việc phải có 1 bức ảnh sống ảo tại đây nên cả Kịt lẫn 3 cháu bé còn lại đều lắc đầu từ chối tất cả những lời mời gọi. Cả nhóm chỉ đơn thuần đi dạo gần hết các thửa ruộng, sau đó leo lên một chòi nghỉ, nơi sở hữu tầm view bao quát nhất tại Tegalalang. Từ những góc nhìn trọn vẹn này, Kịt có thể thấy nét đẹp rất đáng yêu của quần thể ruộng bậc thang Tegalalang, xanh mướt um tùm, cơ bản khác hẳn phong cách ruộng Tây Bắc nhà mình các bác ạ.

4 cháu bé trên điểm cao nhất của Tegalalang

Gần giờ trưa, sau khi cũng chạy ngang chạy dọc đủ hết các ruộng, 4 đứa lại lên xe máy phóng về khu trung tâm Ubud – nơi mà cả đoàn sẽ dành chủ yếu buổi chiều tại đây.

Trung tâm Ubud là một trong những địa điểm Kịt thích nhất tại Bali, bởi đây đúng là nơi tái hiện chân xác nhất vẻ đẹp văn hóa và tinh thần của hòn đảo này. Dọc hết con đường là những ngôi nhà rêu phong cổ kính, nhiều trong số đó đã trở thành những quán ăn, quán cafe, quán bán đồ lưu niệm cực kỳ xinh xắn và nghệ thuật.

Nhóm của Kịt chọn quán Union Ubud nằm ngay ở phố chính, một nhà hàng có những góc decor xinh và chill đến phát xỉu. Từ những góc nhỏ của Union Ubud, bạn có thể nhìn thấy ngay đường phố Bali với những ngôi nhà hay ngôi đền cổ, những cánh cổng hoa văn chạm khắc cầu kỳ, những người dân local chân phương mặc trang phục truyền thống xen lẫn hình ảnh của những du khách nước ngoài lúc nào cũng phóng khoáng, sôi nổi.

Union Ubud xinh là xinh là yêu ngay giữa khu trung tâm

Điều thú vị nhất ở Ubud là bạn có thể đỗ xe ở bất kỳ một điểm tập kết nào, sau đó tự do đi bộ khám phá những con phố mà không phải mất thêm đồng phí trông xe (cũng là tránh luôn thảm cảnh tắc đường vì cảm giác lúc nào tui đến đây cũng thấy khu trung tâm đang ở tình trạng kẹt xe).

Nhóm của Kịt đỗ xe ngay trước nhà hàng Union Ubud, đến lúc đi 1 vòng khu phố quay lại vẫn thấy 2 chiếc xe ngoan ngoãn yên vị chỗ cũ. Điều này thể hiện an ninh của Bali thật sự an toàn, và người dân khá thật thà, chất phác. (Thử ở phố cổ quê mình coi, khóa xe vào nhà lấy đồ mà có khi vài phút sau chạy ra chỉ còn đúng cái nịt =))).

Khu trung tâm Ubud có một loạt các điểm thăm quan gần sát nhau để bạn vừa đi bộ vừa khám phá. Đầu tiên là Ubud Art Market, khu chợ truyền thống thấm đẫm nét văn hóa địa phương với vô số những cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ của Bali. Trước lúc đi tui đã tưởng tượng cảnh mình sẽ được lang thang lạc lối ở 7749 những con ngõ nhỏ thông nhau trong khu chợ này. Cuối cùng tới nơi thì hình dung sụp đổ bởi toàn bộ khu này đang bị đóng cửa để thi công xây dựng lại. Không rõ có phải các tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm du lịch bị tê liệt vì covid, hay chỉ đơn giản là chính quyền muốn tranh thủ thời gian chưa đông khách mà trùng tu làm mới lại nơi đây.

Do không tới được Ubud Art Market nên nhóm của Kịt được một vài người dân địa phương chỉ cho Ubud Market ngay gần đó, một nơi cũng có khá nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm dù quy mô không quá lớn (nhìn phong cách hơi giống kiểu các khu chợ đêm).

Khu trung tâm với những góc nhỏ mang đậm sắc màu Bali

Những viên gạch lát đường ghi tên những khách du lịch đã đến Ubud từ nhiều năm

Quanh khu đường chính còn có 2 điểm đến Kịt cũng recommend mọi người nên dành thời gian ghé qua, đó là đền Saraswati Temple và cung điện Ubud Palace. Đây là hai nơi Kịt khá ấn tượng vì đều có những chiếc cổng hay bức tường được chạm khắc tinh xảo với các hoa văn truyền thống của Hindu giáo (so với các chùa vàng ở Thái thì tui đặc biệt yêu thích kiến trúc của bên Hindu hơn, mê từ thời đi Angkor Wat đến khi về lại Bali).

Cung điện Ubud Palace nhỏ nhắn như một ngôi đền nên chắc đi dạo tầm 15 phút là hết khuôn viên (bà con đừng hy vọng nó sẽ rộng lớn đồ sộ như mấy cung điện ở châu Âu nhé :))). Đền Saraswati thì nổi bật với hồ sen và vườn nước, nếu đi vào buổi sáng chắc chắn sẽ thấy thanh tịnh yên bình vì bạn còn có cơ hội thưởng thức cả hương thơm dịu nhẹ của những bông sen.

Hai nơi này cách nhau chắc vài phút đi bộ, nằm ngay ở trung tâm phố lớn. Trước dịch, hai địa điểm này thường xuyên trong tình trạng đông đúc du khách. Nhưng may quá đợt này Kịt đi mọi thứ đều ở mức rất chừng mực, vừa phải, nhờ đó mà có thêm thời gian đi dạo, ngắm nghía những góc kiến trúc xinh xắn tại đây.

Ubud Palace và những gam màu vừa rực rỡ vừa thâm trầm trên từng hoa văn họa tiết

Những ngôi đền và nhà thờ lúc nào cũng thơm một mùi hương đặc trưng của hoa lá thảo mộc. Trong ảnh là Saraswati Temple thời khắc cuối ngày

Nhìn đồng hồ đã 5g chiều, thật ra đây là thời điểm thích hợp để đi tiếp ra Campuhan Ridge Walk – con đường dài khoảng 2km được mệnh danh là cung đường trekking nên thơ nhất tại Bali (chỗ này còn ngay cạnh khu trung tâm siêu tiện lợi). Tui có tìm hiểu khá kỹ về Campuhan Ridge Walk, một nơi có tầm view thoáng đãng với hai bên là những cây bụi, lau lách, giúp bạn có cảm giác rất chill khi được thư thái dạo bộ. Chỉ tiếc là nếu đi tiếp Campuhan Ridge Walk, nhóm sẽ ăn tối muộn và sợ không về nhà đủ sớm để ngủ nghỉ cho chuyến trekking đêm nay. Vậy nên cuối cùng dù rất nuối tiếc, cả nhóm đã quyết định bỏ lại Campuhan Ridge Walk, giữ vững đúng phong độ mỗi ngày bỏ bớt một điểm thăm quan =)))

Rời phố trung tâm, 4 bạn già ghé vào siêu thị Pepito mua đồ ăn để về nhà tự nấu bữa tối. Đây là siêu thị được chủ nhà ở Ubud recommend, hải sản tương đối tươi ngon, rau với hoa quả thì xanh mướt ngon ngọt không chịu nổi. Trước lúc đi, cả nhóm đã lên kế hoạch có một bữa tụ tập tại gia nên mang đủ gia vị, mỳ tôm, nước lẩu thái…. Một bữa ăn tự phục vụ ngay trên đất Bali, dù không quá thịnh soạn nhưng vẫn đủ chất, ngon lành và quan trọng hơn cả là góp nhặt thêm nhiều kỉ niệm cho chuyến đi.

Sống như người bản địa, cũng đeo túi đi siêu thị chọn đồ như ai =)))

Bữa ăn tự nấu ấm lòng người chiến sĩ trước thời điểm trekking leo núi =)))

Ngày 4: Trekking núi lửa Batur – Về Jimbaran nghỉ dưỡng tại resort

Đúng 2g30 sáng, xe tour của Klook đã đến villa đón 4 đứa về điểm tập kết gần núi lửa Batur. Batur nằm tại trung tâm giữa hai miệng núi lửa, phía Tây Bắc núi Agung, di chuyển từ Ubud mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau khi được hướng dẫn viên mô tả sơ bộ về lịch trình, 4 bạn già lại tiếp tục lên một chiếc xe riêng để đi thẳng về phía chân núi. Tầm 4g sáng, cuộc trekking mới chính thức bắt đầu.

Nửa đêm 4 cái bóng lò dò lên xe như đang đi buôn bạc giả =))))

Kịt book tour riêng cho đoàn của mình, mục đích vì muốn được thoải mái về thời gian di chuyển (kiểu đi riêng nên khi nào mệt quá có thể tự do dừng nghỉ không làm phiền đến người khác). Dẫn đoàn lần này là một em gái người Indo, chỉ biết giao tiếp tiếng Anh bồi cơ bản nên gần như suốt chặng đường em gái cũng không nói chuyện mấy với 4 đứa. Tuy nhiên sự im lặng của HDV cũng không làm chuyến đi bớt sôi nổi bởi xung quanh Kịt phải có vô số các đoàn khác đang tham gia leo núi cùng.

Cứ tưởng tượng đang “giờ âm phủ” trên núi mà ánh đèn pin, tiếng cười nói, tiếng bước chân rộn ràng còn hơn cả ban ngày. Hầu hết những người tham gia leo núi là các bạn Tây. Số người châu Á như nhóm của Kịt tương đối ít (lác đác có thêm một vài các bạn Ấn và một đôi người Tàu). Chặng đường đi không dễ dàng, nhưng không phải không thể vượt qua. Đoạn đường chủ yếu là leo dốc, về cuối thì leo núi đúng nghĩa đen. Cả nhóm cứ vừa đi vừa cố gắng, mệt quá thì lại dừng chân thở đôi phút, ngắm bầu trời đầy sao để tiếp thêm năng lượng rồi lại lóc cóc cắm mặt tiến về phía trước.

Nửa cuối hành trình xuất hiện thêm 1 em gái đi cùng support cho đoàn, ban đầu cả lũ cứ tưởng là nhân viên bổ sung của Klook. Mãi đến khi lên đến đỉnh núi mới biết đây là em gái bán hàng rong, 15 tuổi và vẫn đang đi học. Mỗi đêm, em đều theo chân các đoàn leo núi để hỗ trợ dẫn đường, sau đó nhờ họ mua dùm chai nước khi lên tới đỉnh (tất nhiên giá chai nước cao gấp 4 5 lần dưới vùng xuôi). Mặt trời mọc xong cũng là lúc em xuống núi để chuẩn bị đến trường. Nhìn chung dù đã được Klook chuẩn bị hết nước nôi, cả nhóm vẫn mua giúp em gái 1 chai và tặng thêm em ít tiền coi như phần quà dành riêng cho cô bé chăm chỉ. (Đêm dậy leo núi bán hàng, sáng vẫn khỏe mạnh đi học, đúng là rất ngoan và chịu khó nhỉ).

Những gam màu vô cùng ảo diệu khi trời bắt đầu dần sáng!!!

Tầm 6g kém, vừng đông đã bắt đầu hửng sáng. Bầu trời đã có sự chuyển biến ngoạn mục về màu sắc khi những ánh sáng vàng, cam, tím bắt đầu xuất hiện giữa những đám mây đen. Lúc này, cả nhóm đã đặt chân đến trạm nghỉ với vô số người leo núi đang ngồi sẵn để chờ thời khắc mặt trời mọc. Trong khi cả 4 còn đang thở phào sung sướng kiểu “Ôi mẹ ơi cuối cùng cũng tới nơi rồi“, thì em HDV đã chạy ra thông báo đại ý: “Chỗ này chỉ là trạm nghỉ thôi còn muốn lên đến đỉnh thì phải leo thêm 20 phút nữa” =)))). Khá nhiều người đã lựa chọn dừng chân ở chỗ này, vì tại đây tầm view ngắm mặt trời vẫn vô cùng ép phê. Tuy nhiên 4 đứa Việt Nam vẫn muốn đã đi thì đi cho chót nên quyết định tiếp tục leo thêm 20 phút nữa để lên được đỉnh cao nhất của núi Batur (sau này tui mới biết đấy là lựa chọn vô cùng sáng suốt bởi góc view trên đỉnh mới thật sự là báu vật trần gian).

Tầm 6g15, mặt trời đã bắt đầu ló rạng. Tất cả đều dừng lại để ngắm nhìn thời khắc quan trọng nhất của chuyến đi: Mặt trời trườn bò ra khỏi những đám mây đen và nhích dần lên cao. Một ngày mới sắp bắt đầu, và hôm nay chúng tui đã được đón ánh bình minh trên đỉnh núi Batur huyền thoại của đất nước Indo <3 Một cảm giác trên cả Yomost !!!

Bình minh trên đỉnh Batur <3

Bốn đứa ngồi nghỉ trên đỉnh núi trong khi em HDV đi chuẩn bị bữa sáng cho cả đoàn. Trong lúc chờ đồ ăn, cả lũ lôi từ trong túi các thể loại bông tẩy trang, kem chống nắng, son hồng để tân trang lại nhan sắc, để đảm bảo tuy không thể lồng lộn được như dưới xuôi nhưng ít nhất cái mặt chụp lên cũng không quá tã tượi bệ rạc sau 1 đêm phờ râu leo núi =))).

Cái cảm giác được ở trên đỉnh cao nhất hít thở bầu không khí tinh khiết trong lành của buổi sớm mai thật sự không gì sánh nổi. Đặc biệt hơn khi khung cảnh trước mắt 4 đứa mỹ miều, bao la và ảo diệu như trong truyền thuyết. Những dải mây trắng vẫn uyển chuyển ôm lấy đỉnh núi, trong khi phía dưới là hồ nước Batur rộng lớn an yên bên những thung lũng xanh mướt mát. Combo núi – hồ – thung lũng ấy đã tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho mẹ thiên nhiên, vẻ đẹp mà tui xin khẳng định say đắm hớp hồn không kém gì Thụy Sĩ : D

Chọn áo hồng AEON cho nổi nhất vịnh Bắc Bộ nhé =)))

Nghỉ ngơi được 15 20 phút, đồ ăn sáng đã được em HDV mang ra. Sandwitch chuối, trứng luộc cùng với trà cà phê, đúng là còn gì hấp dẫn hơn nữa chứ. Điểm nhấn trong bữa ăn là khoảnh khắc cả lũ bị giật mình vì sự xuất hiện của một con khỉ béo mập múp míp, nhanh thoăn thoắt nhảy tới giật mất 1 quả trứng trên khay đồ ăn. Đến lúc này cả bọn mới nhìn xung quanh và phát hiện đỉnh núi phải có nguyên 1 đàn khỉ, con nào con nấy trông không có tí gì là sợ người lạ, thậm chí mặt mũi còn toát lên sự tinh ranh của những thằng chuyên đi giật đồ :)) (Mà không hiểu nó có đủ khôn để biết đập vỏ trứng trước khi ăn không nhỉ =))).

Ăn sáng xong xuôi, cả 4 đứa bắt đầu dành thời gian đi dạo quanh đỉnh núi, chụp ảnh với cột mốc check-in, thậm chí còn làm trò con bò quay clip hô to “Việt Nam vô địch!” trước sự chứng kiến của 7749 người anh em ở các quốc gia khác =)))

Tôn Hành Giả trên đỉnh Batur =))) Không có phép thần thông nào nổi bật ngoại trừ khả năng cướp giật đồ ăn của du khách =)))

4 chị em chụp ảnh tại điểm check-in quan trọng nhất

Tầm 7g30, cả đoàn bắt đầu xuống núi để kết thúc chuyến trekking. Lúc xuống núi, đường khá trơn trượt vì nhiều cát vụn, vậy nên lời khuyên lớn nhất cho những bạn nào có nhu cầu leo núi lửa Batur là hãy chuẩn bị một đôi giày thật bám đường nếu không muốn thường xuyên bị dập mông giống 1 chị gái trong đoàn của Kịt.

Trời đã hửng nắng nên con đường đi xuống không còn là một màu đen huyền ảo như cách đây mấy tiếng đồng hồ. Những khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục phía dưới cũng khiến cho Kịt quên luôn sự mệt mỏi, nhìn chung là tui thấy mình ăn xong là khỏe vãi đấm luônnnnn. Tổng kết lại, leo núi lửa Batur chính là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cả chuyến đi, cảnh sắc thiên nhiên cũng là mãn nhãn và ấn tượng nhất <3333 No1 recommend tại Bali luôn nhé bà con!

Đường xuống núi nhìn hùng vĩ và đẹp đến nhức nách =)))

Chụp với em HDV (em gái đứng giữa). Nhìn em tạo dáng còn điệu hơn 4 bà Việt Nam già =)))

Mất hơn 1 tiếng xuống núi, xe của Klook đã chờ sẵn ở 1 điểm dừng để đón 4 người bạn Việt Nam. Chia tay với em gái HDV (tất nhiên không quên gửi thêm ít tiền tip cho em coi như món quà nhỏ), cả bọn nhắn bác tài chạy thẳng về villa ở Ubud thay vì ghé vào một điểm thăm quan cà phê chồn đã có sẵn trong tour. Lý do bỏ qua điểm đến này vì cả nhóm muốn về villa sớm để nghỉ ngơi ăn uống trước lúc check out 12g. Chưa kể, nhóm Kịt đều là những người anti cà phê chồn (mỗi ly cà phê chồn đắt đỏ đều ẩn chữa những sự thật đau đớn về cuộc sống của những con chồn hương ạ -_- ).

Tầm 10g sáng, đoàn đã về đến villa, dư dả thời gian cho việc tắm gội, gọi đồ ăn, pack đồ. Đến 12g trưa, 4 bạn già chào tạm biệt thủ phủ Ubud để di chuyển về Le Yanandra Resort ở Balangan, Jimbaran, chuẩn bị cho những ngày còn lại chỉ có ăn chơi lêu hêu và nghỉ dưỡng!

Le Yanandra Resort là vô số những góc rất nên thơ xinh xắn <3

Le Yanandra Resort nằm ở một vị trí khá xa so với các khu trung tâm du lịch khác. Bãi biển Balangan ở đây cũng chỉ thích hợp cho việc lướt sóng, các hàng quán hải sản ven biển không có nhiều (mà đồ hải sản thì dở vãi luôn =_= ). Dăm ba cái beach lounge nhìn cũng buồn tẻ không ấn tượng. Nhìn chung bạn nào không có nhu cầu đơn thuần nghỉ ngơi như Kịt thì nên cân nhắc lựa chọn những nơi sôi động khác kiểu Canggu, Kuta… (Xem ở kỳ trước Kịt có giới thiệu về các khu nổi tiếng tại Bali).

4 đứa Kịt thuê chiếc villa to nhất tại Le Yanandra Resort, có nguyên một bể bơi riêng và tận 2 khu nhà lớn. Cứ 2 cháu bé một nhà với đủ phòng ngủ, phòng khách, nhà tắm cái nào cũng siêu to siêu rộng. Decor ở đây mang phong cách hơi giống kiểu Santorini với những mảng tường trắng điểm xuyết những chùm hoa giấy và vô số các loài hoa rực rỡ khác.

Bốn bạn cả buổi chiều chỉ đi bơi hoặc nằm phơi mình tắm nắng nghe nhạc, nhìn chung tận hưởng phê pha lười nhác khác hẳn với hình ảnh bô nhếch hùng hục đêm qua :)). Cuối buổi cả nhóm kết thúc ngày thứ 4 bằng một bữa ăn ở nhà hàng ven biển Balangan.

Hoạt động chủ yếu ngày thứ 4: Ăn chơi ngủ nghỉ =)))

Ngày 5: Đền Tanah Lot – Đền Uluwatu (bỏ) – Ăn tối tại khu Kuta

Tanah Lot và Uluwatu là hai ngôi đền view biển rất linh thiêng và nổi tiếng ở Bali.  Tanah Lot cách resort của Kịt tận 1 tiếng 30 phút lái xe, trong khi Uluwatu nằm ở hướng ngược lại chỉ cách độ 30 phút di chuyển. Lịch trình ban đầu cả nhóm định đi điểm xa Tanah Lot trước, sau đó còn thời gian sẽ quay về Uluwatu để ngắm hoàng hôn. Tuy nhiên tình trạng tắc đường khủng khiếp ở Bali đã khiến thời gian di chuyển đến Tanah Lot lố hơn 1 tiếng đồng hồ, dẫn đến việc cả nhóm không kịp vòng về lại Uluwatu kịp giờ hoàng hôn. Cuối cùng nguyên ngày thứ 5, cả nhóm chỉ đủ thăm quan một ngôi đền Tanah Lot, sau khi đã ăn chơi nhảy múa chán chê tại resort cả buổi sáng.

Tanah Lot sừng sững giữa biển khơi trên đỉnh một tảng đá khổng lồ nằm ở phía Tây Nam Bali. Sở hữu vị trí đắc địa với tầm view thẳng ra biển lớn, ngôi đền giống như một hòn đảo nổi ẩn tượng khi nhìn từ trên cao xuống. Nơi đây thờ phụng Thiên Chúa với biểu tượng là Thần biển (thần Baruna) để cầu sự thịnh vượng và cân bằng giữa biển và đất. Đây cũng là ngôi đền Kịt thích nhất trong suốt chuyến đi Bali 6 ngày.

Tanah Lot của ngày nắng rực rỡ và biển xanh ngút ngàn

Khuôn viên của Tanah Lot là những bãi cỏ xanh mướt mát, những tán cây rộng lớn và những con đường ven biển lộng gió. Vừa dạo bộ thư giãn vừa hít lấy thứ không khí mặn mòi mát lành của biển là trải nghiệm tuyệt vời tại đây. Để đi sang được đền chính, bạn phải lội nước ra biển, do đó nên chú ý những ngày thủy triều dâng cao, du khách sẽ không được phép đi bộ sang bên kia.

Ngay dưới chân đền chính là những nhà sư làm nghi lễ cầu may cho người tới thăm Tanah Lot. Nhà sư sẽ cắm một bông hoa sứ vào tai đồng thời dán một vài hạt gạo lên trán của bạn như một hình thức ban phước. Bạn cũng cần gửi lại chút tiền coi như đáp lễ thể hiện lòng thành (không quy định rõ bao nhiêu vì hình như là tùy tâm).

Khuôn viên ngôi đền cũng rất đáng để dạo bộ thư giãn

Ban đầu nhóm của Kịt không định tham gia hoạt động cầu may này, nhưng thấy phải được ban phước thì nhà sư mới cho phép lên đền chính nên 4 đứa cũng tặc lưỡi xếp hàng. Ai ngờ leo được vài bậc thang thì hết đường đi, thấy ngay cái cổng vào được khóa kín mít =_= . Tóm lại chẳng có cách nào để du khách được lên đền chính, trừ khi bạn là người địa phương đăng ký hoạt động cầu khấn tại đây.

Vậy nên sau này bà con có tới thăm Tanah Lot thì cân nhắc việc xếp hàng để được ban phước. Hãy tham gia nếu bạn thật sự hứng thú trải nghiệm những hoạt động văn hóa tinh thần của Bali, còn nếu chỉ vì hy vọng được leo lên cao như nhóm của Kịt thì chia sẻ trước là không có tác dụng.

Tầm 6g kém, đền Tanah Lot bắt đầu đón hoàng hôn. Cùng với Uluwatu, đây cũng là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất trên hòn đảo. Cả nhóm lêu hêu đi dạo thêm một lúc rồi bắt xe di chuyển về khu Kuta cách đó tầm 45p.

Ngập trong thịt tại Naughty Nuri’s Warung Seminyak =))

Tối nay, 4 đứa sẽ ăn tối tại Naughty Nuri’s Warung Seminyak, một trong những quán ăn siêu nổi tại Bali với lượt review đánh giá ấn tượng trên tripadvisor (gần 8500 người review mà rating tận 4,7).

Quán rộng mà luôn trong tình trạng kín bàn với đủ thành phần khách Tây khách Ta, khách du lịch lẫn khách địa phương. Đồ ăn ở đây ngon, rẻ, tẩm ướp đậm đà phong phú rất hợp khẩu vị cháu Kịt. Chưa kể suất sườn (lại là sườn) thì to béo ngập thịt đến là phê pha. Recommend bà con nếu ghé khu Kuta thì hãy đến Naughty Nuri’s Warung Seminyak để tận hưởng cảm giác ngập ụa trong thịt nhé :)))

Ngày 6: Nghỉ ngơi tại resort – Ra sân bay về lại Việt Nam

Ngày cuối cùng của chuyến đi, cả nhóm chỉ dành thời gian nghỉ ngơi ăn uống tại Le Yanandra Resort. Thậm chí trong khi chờ đến giờ ra sân bay, 4 đứa vẫn kịp làm ít ván bài cho phong phú thêm “hoạt động thể thao giải trí lành mạnh” của chuyến đi :))).

Hoạt động giết thời gian, bài bạc ngay trên đất của thần linh =)))

Tạm biệt Bali, tạm biệt hòn đảo của những cánh rừng mưa nhiệt đới um tùm, những bãi biển lướt sóng sôi nổi, những ngôi đền Hindu yên bình và tĩnh tại trong sự chở che của các vị thần. Bali có thể không quá xuất sắc về cảnh quan, nhưng Bali sẽ là nơi mang đến nhiều cảm xúc, sẽ là nơi đong đầy nhiều trải nghiệm, và là nơi cho bạn cái cảm giác tự do trẻ tuổi khi rong ruổi trên mỗi cung đường!

Bầu trời Bali, bầu trời xanh mướt, bầu trời tự do !

You Might Also Like...