TRIP WITH KIT
Châu Âu Italy (Ý) Schengen

[Du lịch Ý tự túc]_Kinh nghiệm xin visa và lên lịch trình

Giống như Trung Quốc, Ý luôn là điểm đến trong mơ của Kịt, nhưng vì một rào cản nào đó mà hành trình này thường bị hoãn lại. Một trong những lý do chính là vì Ý quá đông du khách, và khi càng có tuổi, Kịt lại càng sợ đến chốn đông người.

->>> Loạt bài review du lịch Ý: Rome, Venice, Tuscany, ….

Vậy nên đến tháng 3 năm nay (2022), khi vừa đọc được tin Ý mở cửa du lịch quốc tế sau 2 năm phong tỏa vì Covid, Kịt đã lập tức suy nghĩ: Phải đi ngay bởi sẽ không có cơ hội nào được tận hưởng mùa hè Italia yên bình như lúc này. Chưa kể hiện tại Trung Quốc vẫn còn đang “bế quan tỏa cảng”, châu Âu chưa bị dân Tàu xâm chiếm, đúng là thời điểm nghìn năm có một =))).

Hậu covid, nước Ý mở cửa du lịch với một sự vắng vẻ thanh bình hiếm có

Trong bài viết này, Kịt xin chia sẻ với cả nhà kinh nghiệm xin visa, lịch trình tham khảo cũng như một số chuẩn bị cần thiết khác cho chuyến đi Ý trong tháng 5/2022 vừa qua:

Kinh nghiệm xin visa Ý

Hồ sơ xin visa Ý bao gồm những gì?

Do lần này chỉ đi Ý nên Kịt apply trực tiếp tại đây luôn. Cũng giống như Pháp, bạn sẽ không nộp hồ sơ cho đại sứ quán mà phải làm qua một bên agent được chỉ định, cụ thể ở đây là VFS.

Lên website https://www.vfsglobal.com/italy/vietnam/vietnamese/index.html, bạn sẽ thấy có đầy đủ thông tin và hướng dẫn cần thiết. Kịt apply ở đầu Hà Nội, giấy tờ được liệt kê rất chi tiết trên trang web của VFS:

STT Checklist/Danh mục hồ sơ
1 Đơn xin cấp thị thực được điền đầy đủ, rõ ràng và do chính đương đơn ký tên (form này có thể lấy trên website VFS)
2 Lịch trình chuyến đi (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Ý)
3 Hộ chiếu gốc + 1 bản copy tất cả các trang hộ chiếu
4 Hai ảnh nền trắng mới chụp không chỉnh sửa, kích thước 4×6 hoặc 4×4; Một ảnh phải dán vào tờ khai
5 Booking vé máy bay khứ hồi; Vé đi lại giữa các nước (nếu bạn còn đi các nước khác ngoài Ý)
6 Booking khách sạn, các chứng minh về nơi ở, nơi lưu trú
7 Chứng minh thu nhập: Tài khoản tiết kiệm online hoặc sổ giấy (checklist không ghi rõ tối thiểu bao nhiêu tiền, đợt mình đi thì nộp sổ 200 triệu)
8
Nếu đương đơn là nhân viên/ công chức nhà nước:
– Bản gốc sao kê tài khoản cá nhân thể hiện có nhận lương của sáu tháng cuối cùng.
– Trong trường hợp đương đơn không nhận lương qua tài khoản: bắt buộc phải nộp copy Sổ Bảo hiểm Xã hội và Bản gốc sao kê tài khoản cá nhân / tài khoản thẻ tín dụng / Bảng lương
Nếu đương đơn là chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông:
– Giấy đăng ký kinh doanh của công ty;
– Sao kê tài khoản cá nhân (kể cả trường hợp đương đơn là cổ đông) hoặc của công ty (đối với chủ doanh nghiệp) trong vòng 6 tháng gần nhất;
– Hóa đơn đóng thuế ba tháng/1 quý/1 năm gần nhất.
Nếu người nộp đơn đã nghỉ hưu:
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hưu trí (Quyết định hưu trí và/hoặc Thẻ hưu trí, Sổ lương hưu);
– Bản gốc sao kê tài khoản cá nhân và/hoặc copy sổ tiết kiệm
9 Thẻ tín dụng: Copy mặt trước thẻ + xác nhận hạn mức/số dư của ngân hàng
10 Hợp đồng lao động
11 Giấy nghỉ phép
12 Bảo hiểm du lịch có hiệu lực cho thời gian lưu trú với mức bảo hiểm tối thiểu là 30.000 EUR, yêu cầu dài hơn 2-3 ngày so với ngày rời khối Schengen 
13 Sổ Hộ khẩu Gia đình
14 Bằng chứng về mối quan hệ gia đình (Giấy kết hôn, khai sinh)
15 Những giấy tờ khác hỗ trợ cho việc xin cấp thị thực: Tài sản nhà đất, giấy sở hữu ô tô,…. (nôm na những thứ giúp hồ sơ của bạn thêm uy tín đảm bảo)

– Lưu ý giấy tờ phải được dịch và công chứng sang tiếng Anh hoặc Ý.  Ví dụ với sổ hộ khẩu, Kịt nộp một bản sao công chứng + một bản dịch tiếng Anh có dấu đóng của bên dịch công chứng.

– Ngày bắt đầu của bảo hiểm du lịch nên sớm trước khoảng 1-2 ngày so với ngày xuất phát, và dài hơn 2-3 ngày so với ngày rời khối Schengen. Thời điểm Kịt apply tháng 03/2022 yêu cầu bảo hiểm phải cover cả covid.

– Ngoài những giấy tờ “must have” kể trên, Kịt nộp thêm Cover letter, gọn gàng súc tích với mục đích bày tỏ nguyện vọng đi du lịch và cam kết sẽ trở về Việt Nam sau khi chuyến đi kết thúc. Mùa covid thì nộp thêm bản sao công chứng của giấy chứng nhận đã tiêm đủ mũi vaccine.

– Một điểm lưu ý nữa là bên ĐSQ Ý yêu cầu phải có sổ bảo hiểm xã hội nếu bạn không nhận lương hàng tháng qua hình thức chuyển khoản. Đợt nộp hồ sơ, do zai nhà Kịt nhận lương tiền mặt nên bị yêu cầu bổ sung sổ bảo hiểm. Xui rủi thế nào đúng lúc sổ bảo hiểm bị mất, thế là Kịt phải làm thêm một tờ giải trình xác nhận mất sổ và vẫn được ĐSQ Ý chấp thuận.

Bên VFS báo mất tầm 1 tháng để review hồ sơ nhưng thực tế khoảng 10 ngày sau mình đã nhận được kết quả. Có lẽ thời gian sẽ tùy vào từng case, và tùy thời điểm bị quá tải hồ sơ hay không.

Các lưu ý quan trọng khác khi xin visa Ý

Từ trước đến giờ có nhiều bài review nói Ý và Pháp là hai nước dễ xin visa nhất trong khối Schengen. Thế nhưng thực tế so với năm 2018 khi Kịt xin của Pháp vô cùng nhanh gọn (mất đúng 4 ngày tính cả ngày lên nộp hồ sơ), lần apply visa Ý này của mình có quá nhiều trải nghiệm không lường tới. Có thể do mới mở cửa lại nên phía ĐSQ Ý đã siết chặt giấy tờ và quy định hơn, thậm chí nhiều cái Kịt còn xem là hơi “quái gở”.

Tham khảo kinh nghiệm xin visa du lịch Pháp tự túc tại đây

Nói vui là lúc mới nộp giấy tờ, em còn có phần lo lắng vì đội bóng áo thiên thanh vừa bị loại khỏi vòng loại World Cup 2022, sợ các bác bên ĐSQ rầu người mà đánh trượt hết hồ sơ =)))) Chả bù năm 2018 nộp visa đúng lúc Pháp vô địch World Cup nên mọi thứ suôn sẻ thuận lợi đến không tưởng.

Đây là hình ảnh Kịt đang quyết tâm vượt qua mọi rào cản khó khăn để đi về phía nước Ý xinh đẹp =)))

Túm váy lại, sau trải nghiệm của bản thân + trải nghiệm của rất nhiều bạn chia sẻ trên group du lịch mà mình có cơ hội trao đổi, Kịt xin tổng kết với cả nhà những lưu ý vô cùng quan trọng mà bạn có thể gặp phải khi xin visa Ý vào thời điểm này (không rõ sau này có thay đổi không hay chỉ áp dụng với giai đoạn mới mở cửa hậu covid):

– Đầu tiên, bạn phải có vé máy bay đã thanh toán tiền mới được nhận lại hộ chiếu.

Thông thường lúc nộp giấy tờ, bà con sẽ chỉ nộp booking theo kiểu pay later rồi cancel. Khi nào cầm trong tay visa mới tiến hành mua vé cho đảm bảo an toàn. Tuy nhiên với visa đi Ý, phía VFS sẽ gọi điện cho bạn yêu cầu xuất trình vé máy bay đã thanh toán tiền mới trả hộ chiếu. Tuy họ không trả lời bạn pass visa chưa vì họ không được phép mở bì thư kết quả, nhưng gần như 100% pass rồi thì ĐSQ mới có yêu cầu đó.

– Ngoài vé máy bay, bạn có thể bị yêu cầu nộp cả vé tàu/vé máy bay giữa các thành phố hoặc các nước trong khối Schengen (đã thanh toán tiền) nếu lịch trình của bạn đi nhiều nước. Kịt dùng từ “có thể” vì như Kịt không bị yêu cầu nộp vé tàu giữa các thành phố, nhưng đã có 1 bạn trong group du lịch bị yêu cầu.

–  Khi mang vé máy bay/vé tàu đến VFS để nhận hộ chiếu, ĐSQ yêu cầu ngày thực tế trên vé máy bay/ vé tàu phải khớp với hồ sơ ban đầu bạn apply. Nếu không, bạn phải nộp bổ sung toàn bộ giấy tờ liên quan đến lịch trình mới này (File lịch trình chuyến đi, bảo hiểm du lịch, giấy nghỉ phép của công ty, booking khách sạn).

Lúc nhận được điện thoại của VFS, Kịt đã ngay lập tức tiến hành mua vé máy bay, nhưng buộc phải thay đổi ngày bay so với hồ sơ ban đầu do nhiều lý do khách quan (giá vé tăng cao, chặng bay không có do vừa mở cửa…). Và khi mang vé đến nơi, Kịt lại lóc cóc đi về bổ sung toàn bộ giấy tờ kể trên xong mới nhận được hộ chiếu. Đợt ấy đi đi về về nhiều tới mức chú bảo vệ ở trước văn phòng VFS Ý còn quen mặt và thương cảm cho =)))

Nếu bạn không nộp đủ hồ sơ bổ sung mà kết quả đã pass visa thì sao? Thì ĐSQ Ý sẽ thu hồi visa luôn và ngay, và họ có đủ quyền lực làm việc đó bà con ạ -_-. Nên cái trải nghiệm có visa rồi mà vẫn nơm nớp trượt thật thốn biết bao nhiêu =)))

Cầu cũ Ponte Vecchio ở thành phố Florence trong thời khắc hoàng hôn (ảnh chèn vào cho bà con đỡ căng thẳng + bài viết đỡ khô khan lắm chữ chứ không có mục đích gì to tát =)))

– Tiếp, nếu bạn đã có kết quả visa và trước ngày khởi hành, bạn cancel toàn bộ booking khách sạn trong hồ sơ đã nộp cho ĐSQ trước đó (lý do có thể vì bạn muốn đổi chỗ ở khác, bạn tìm được nhà người quen….), bạn nên gọi điện/email cho VFS để họ báo với ĐSQ về sự thay đổi này. Nếu không thông báo và vô tình ĐSQ phát hiện bạn hủy booking khách sạn trước ngày đi, họ sẽ tiến hành thu hồi visa. Đây là trường hợp đã xảy ra mà Kịt được nghe chính chủ chia sẻ lại từ group du lịch của mình.

Vâng, đến với ĐSQ Ý bạn sẽ được trải nghiệm chuẩn xác cái cảm xúc làm gì cũng phải cẩn thận dò xét không người ta cho visa rồi vẫn “quay xe” giật đòi lại =))) (Xin thề là phải tới lúc hải quan Ý đóng dấu nhập cảnh tui mới thở phào chắc chắn visa của mình yên ổn =))))

– Lại tiếp (và cái này tui thấy quái gở nhất này dù tui không trực tiếp gặp phải), nếu chuyến du hí của bạn đi nhiều nước (không phải đi mỗi Ý như Kịt), có thể ĐSQ Ý yêu cầu bạn phải nhập cảnh tại Ý và thời gian ở Ý dài nhất trong cả chuyến đi. Đây là một yêu cầu rất kỳ quái bởi trước kia, chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 yếu tố này đã đủ điều kiện xin visa. Nhưng bây giờ đã có lúc ĐSQ Ý khó ở say “Méo”, cần cả 2 cái mới cấp visa cho nhé =_=.

Một người bạn trên group đã gặp phải tình cảnh này và chia sẻ với Kịt. Mình thật sự không rõ chỉ là case by case hay ĐSQ Ý áp dụng chung cho tất cả hồ sơ. Nhưng dù thế nào tui vẫn thấy rất là làm khó nhau ~

– Ngày trước xin visa Pháp, lịch trình Kịt xin đi 2 tuần những được duration đến tận 3 tháng. Lần này đi Ý, cũng xin đi 17 ngày nhưng duration chỉ cho 20 ngày và hạn visa đúng 1 tháng (từ 30/4-01/06). Rất may mắn khi mua vé máy bay, ngày đi ngày về của mình vẫn nằm trong thời hạn visa. Vậy nên bà con có đổi lịch trình thì đừng đổi xa ngày quá không vô cùng rủi ro.

Trên đây là một số những chia sẻ của Kịt về tình hình xin visa Ý thời điểm này (tính đến tháng 04/2022). Khó khăn thật đấy nhưng bù lại nước Ý quá sức xinh đẹp, quyến rũ nên cũng phần nào khiến tâm hồn Kịt được xoa dịu bức xúc =))) Thôi thì đành tặc lưỡi là “Người đẹp thì phải mất công chinh phục thôi!”

Lúc xin visa vất vả bao nhiêu thì lúc được đặt chân đến Ý rồi thấy phấn khích bấy nhiêu :)))

Lịch trình đi Ý (tham khảo)

17 ngày chỉ dành để rong ruổi trên đất Ý, đi qua từ những thành phố mang trong mình vẻ đẹp vĩnh hằng của những công trình kiến trúc như Rome, Venice, Florence… đến vùng quê Tuscany bạt ngàn đồng cỏ hay những làng chài ven biển rực rỡ sắc màu. Nhiều người cũng thắc mắc vì sao 17 ngày chỉ đi mỗi Ý mà không đi các đất nước khác, có lẽ vì với Kịt, Ý có tất cả những gì Kịt mong đợi ở một chuyến đi phong phú về trải nghiệm. Thậm chí sau 17 ngày, Kịt vẫn còn chưa đi đủ hết những điểm đến mình mong muốn (ví dụ đảo Sicilia, Bờ biển Amalfi….)

Dưới đây là lịch trình thực tế chuyến đi của Kịt mà bạn có thể tham khảo.

Lịch trình thực tế
Ngày 1 7g sáng có mặt ở sân bay Milan Malpensa. Di chuyển về hotel gần Milan Centre Station. Thăm quan khu Duomo gồm Nhà thờ Duomo, TTTM Galleria Vittorio Emanuele II và đi dạo quanh khu trung tâm này. -> LINK bài review
Ngày 2 Day trip đến thành phố Turin (Lịch trình ban đầu là thành phố Verona nhưng do một số vấn đề về đình công tàu ở Milan nên phải chuyển hướng). -> LINK bài review
Ngày 3 Day trip đến hồ Como. -> LINK bài review
Ngày 4 – ngày 6 Đi tàu từ Milan về Venice. Khám phá đảo chính Venice, đảo nhỏ Murano và Burano. -> LINK bài review
Ngày 7 Đi tàu từ Venice về Florence. Hôm nay là ngày off, chủ yếu dành để nghỉ ngơi ngủ bủ =)))
Ngày 8 Thăm quan thành phố Florence -> LINK bài review
Ngày 9 Day trip đến Cinque Terre. -> LINK bài review
Ngày 10 Tiếp tục dạo chơi tại Florence. Buổi chiều đi day trip đến Pisa ngắm tháp nghiêng -> LINK bài review
Ngày 11 – ngày 12 Thuê xe ô tô đi Tuscany, ở 2 đêm tại trang trại Podere Salicotto tại Buonconvento. -> LINK bài review
Ngày 13 Buổi sáng thăm quan tiếp tại Tuscany. Sau đó đi xe về Rome. Chiều tối khám phá các điểm thăm quan nổi tiếng tại Rome -> LINK bài review
Ngày 14 – ngày 16 Tiếp tục khám phá Rome. Chiều 16 ra sân bay về lại Việt Nam -> LINK & LINK bài review
Ngày 17 2g chiều có mặt tại sân bay Nội Bài

Lịch trình này sẽ có những điểm phù hợp với Kịt nhưng chưa chắc phù hợp với bạn (VD sau khi đi chơi “tung tóe” 1 tuần, Kịt sẽ dành hẳn 1 ngày nghỉ ngơi hồi sức chỉ lêu hêu shopping, cafe hoặc ngủ =))).

Style du lịch của Kịt khá thong dong và chậm rãi (yêu cầu ngủ đủ giấc, không đi hùng hục tham điểm đến nếu không đủ thời gian). Do đó nếu bạn không ngại việc dậy sớm về khuya, bạn có thể rút ngắn các ngày ở các thành phố so với Kịt nếu muốn.

Nếu được đổi lại, Kịt sẽ cắt bớt 1 ngày ở Florence thay bằng Rome vì 3 ngày ở Rome là chưa thể đủ để khám phá hết vẻ đẹp của thành phố này (tuy nhiên vẫn đủ để đi hết các điểm chính của thủ đô).  Dù sao Kịt cũng có ý định quay lại Ý trong tương lai gần và khi đó sẽ kết hợp Rome cùng các điểm đến ở miền Nam nước Ý.

17 ngày tại Ý vẫn chưa đủ đi hết những điểm mà Kịt mong muốn

Những chuẩn bị khác cho chuyến du lịch Ý

– Tất cả các khách sạn tại Ý mình đều chọn qua Booking, Agoda và Airbnb. Bạn nào chưa có tài khoản Airbnb có thể đăng ký qua link này, sẽ được giảm 35$ trong lần book đầu tiên. Nên chọn vị trí trung tâm hoặc gần các bến bus/metro, đặc biệt tại Venice và Florence vì khu trung tâm hai thành phố này rất nhỏ, chủ yếu đi bộ.

– Đồ ăn tại Ý khá ngon (lý do vì Kịt là tín đồ của ẩm thực châu Á mà suốt 17 ngày không hề có nhu cầu ghé vô bất kỳ quán Việt, quán Nhật, quán Thái, quán Tàu nào thì chứng tỏ đồ ăn Ý ngon thật :))). Trừ một số hàng quán theo style sang trọng có giá cao hơn hẳn, phần lớn các nhà hàng tại các thành phố lớn của Ý sẽ dao động khoảng 30-50 euro/2 người/bữa. Ban ngày Kịt hay ăn các bữa brunch (breakfast & lunch) để tiết kiệm thời gian.

– Lừa đảo, móc túi, trộm cắp ở Ý (đặc biệt Rome) rất phổ biến. Nhưng thật may trong suốt chuyến đi, Kịt chưa phải trải qua cảm giác tồi tệ nào vì vấn nạn này. Bí quyết là mang ít tiền mặt, chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng, chia tiền ra các vị trí khác nhau thay vì dồn để một chỗ. Thông thường ở các thành phố khác như Venice, Florence, Kịt vẫn ăn diện bánh bèo lắm nhưng về tới Rome là casual hết mức có thể để tránh thu hút sự chú ý của các thành phần trộm cướp. Lên các phương tiện công cộng thì luôn cảnh giác, tay sờ túi liên tục (tốt nhất là dùng túi đeo chéo trước người thay vì balo).

– Đình công tàu là “đặc sản” ở Ý. Để chuyến đi không bị ảnh hưởng bởi những sự cố này, hãy thường xuyên xem tin tức trên các website của hãng tàu bên Ý. Mình đi 17 ngày mà dính đúng 2 ngày có đình công tàu, trong đó 1 ngày phải đổi lại lịch trình vì không thể tìm được tàu di chuyển đến điểm đến.

– Không biết có phải do mới mở cửa du lịch mà thi thoảng sẽ có cảnh sát xuất hiện kiểm tra hộ chiếu của bạn một cách rất ngẫu nhiên (chủ yếu tại các ga tàu).  Cảnh sát hỏi thì bình tĩnh tự tin zui zẻ đưa họ kiểm tra thôi, xong việc họ lại trả hộ chiếu và bonus “nụ cười Địa Trung Hải” =)))

Các anh zai cảnh sát kiểm tra giấy tờ của du khách tại ga tàu Venice

– Mặc dù từ tháng 5/2022, Ý đã dỡ bỏ mọi rào cản liên quan đến Covid nhưng trong thời gian mình đi, hầu như mọi người vẫn bị yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng (xe bus, tàu…). Ở một số chuyến tàu đi chặng dài giữa các thành phố, bạn còn bị yêu cầu phải đeo khẩu trang 3M. Vô thăm bảo tàng Vatican sẽ bị yêu cầu tiêm đủ mũi vaccine (PC Covid của nhà mình được chấp nhận nhé). Nhìn chung du lịch mùa covid cứ cẩn thận thủ sẵn một ít khẩu trang 3M và cầm thêm bản gốc giấy chứng nhận tiêm vaccine đề phòng khi bị hỏi đến.

Trên đây là một số chia sẻ dựa trên trải nghiệm thực tế của Kịt sau chuyến đi Ý tháng 05/2022 vừa rồi. Còn bây giờ, mời cả nhà cùng theo dõi các bài review chi tiết của Kịt cho từng thành phố/ từng chặng nhé (Link bài bên dưới)!

Hành trình du lịch Ý 05/2022: 

Ngày 1: Kinh nghiệm du lịch tự túc Milan
Ngày 2: Kinh nghiệm du lịch tự túc Turin
Ngày 3: Kinh nghiệm du lịch tự túc hồ Como
Ngày 4-6: Kinh nghiệm du lịch tự túc Venice
Ngày 7-8: Kinh nghiệm du lịch tự túc Florence
Ngày 9: Kinh nghiệm du lịch tự túc Cinque Terre
Ngày 10: Kinh nghiệm du lịch tự túc tháp nghiêng Pisa
Ngày 11-13: Kinh nghiệm du lịch tự túc Tuscany
Ngày 14-16: Kinh nghiêm du lịch tự túc Rome (Ngày 1)
Ngày 14-16: Kinh nghiêm du lịch tự túc Rome (Ngày 2)
Ngày 14-16: Kinh nghiêm du lịch tự túc Rome (Ngày 3)

You Might Also Like...