Nhân kỳ nghỉ lễ 2/9, cháu bé Kịt đã tiêu tốn 15 củ khoai cho chuyến đi 6 ngày du hí tại đảo Bali Indonesia cùng 3 bà bạn U40 khác (eo ơi U40 nghe thật khủng khiếp =))). Kết thúc chuyến đi đậm chất lêu hêu chây lười, Bali đọng lại trong Kịt là gì?
Bài viết có 2 kỳ:
Kỳ 1: Lịch trình, chi phí và các chuẩn bị khác
Kỳ 2: Review chi tiết chuyến đi 6 ngày 5 đêm
Kịt được trải nghiệm những đoạn đường đèo thả dốc không khác gì Đà Lạt; được rảo bước ở những ruộng bậc thang mà độ kỳ vĩ thua xa ruộng Hà Giang quê ta; được tới thác nước mà sự hùng vĩ chạy dài so với thác Bản Giốc Cao Bằng; được đi dạo ở những bãi biển mà một đứa chả hứng thú gì với biển như Kịt cũng nhận ra Nha Trang, Phú Quốc nước mình vượt trội hơn hẳn. Và đến cả những ngồi đền mà độ hoành tráng chỉ bằng một góc so với Angkor Wat của Cambodia.
Tổng kết lại, Bali gì cũng có nhưng chẳng có gì quá đẹp (trừ quả núi lửa vô cùng ép phê). Dù vậy, Bali vẫn vui hết nấc kể cả bạn có đi cùng người yêu hay cùng lũ bạn U30 thậm chí U40 như tui :)) So với Thái đã đi 3 lần thì tui thích Bali hơn rất rất nhiều ạ!!!
Những góc nhỏ mang đậm hơi thở văn hóa và tôn giáo của Bali
Còn bây giờ, mời cả nhà cùng đọc bài review chân thực nhất của Kịt về hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường của Đông Nam Á” (cảnh báo trong bài sẽ đầy thứ mà qua mồm miệng con Kịt mô tả chả có tí chất “thiên đường” nào =))).
Lịch trình, chi phí và những chuẩn bị cần thiết
Những lưu ý khi lên lịch trình đi Bali
Tranh thủ Bali chưa đông đúc trở lại do mẫu quốc Tung Của vẫn đang “bế quan tỏa cảng” vì covid, Kịt đã lên kế hoạch thăm thú hòn đảo nổi tiếng này cùng mấy người bạn thân. Do là lần đầu đi Bali nên tui cũng đã dành rất nhiều thời gian đọc review, thậm chí còn vẽ cả bản đồ các điểm thăm quan nổi tiếng.
Và càng tìm hiểu, Kịt càng thấy hoang mang bởi Bali có quá nhiều điểm để đi, chưa kể cái đảo thì rõ là to mà các điểm thì nằm rải rác ở khắp nơi quanh đảo. Nhìn vào đúng kiểu ăn một bát cơm chạy ba quãng đồng, đến được 1 chỗ thì ngồi trên xe tận mấy tiếng. Thảo nào các anh chị Tây toàn ăn dầm ở dề tại Bali hàng tuần háng tháng ạ (mỗi ngày chắc đi được 1 2 điểm :)).
Chính vì Bali quá rộng lớn và có quá nhiều thứ (núi non biển đảo, rừng già ruộng bậc thang, đền đài vườn tược cảm giác cái vẹo gì cũng có), thứ QUAN TRỌNG nhất cho dân tự túc như chúng ta là một lịch trình phù hợp với thời gian du lịch:
– Nên tìm hiểu trước các điểm đến ở Bali và chọn ra những nơi bạn thích nhất. Không nên tham check-in quá nhiều bởi một điều chắc chắn bạn sẽ chả bao giờ đi hết được cái đảo này đâu trừ khi bạn dành cả tháng dầm dề ở đây :)). Tuy gu của mỗi người và tùy mục đích du lịch mà sẽ có những lịch trình riêng. Ví dụ như Kịt xì tai thích rừng rú và không hứng thú tắm biển nên tui sẽ dành nhiều thời gian ở Ubud và mạn Bắc hòn đảo thay vì mạn Nam. Có những người đam mê biển đảo lướt sóng thì các khu Nusa Dua, Canggu hay Jimbaran cuối đảo đúng là thiên đường dành cho họ.
– Nên cho các điểm thăm quan lên google map để xem khoảng cách giữa các nơi, từ đó mới cân đối một ngày đi được những đâu. Bước này rất cần thiết nếu bạn không muốn sáng lên rừng đánh đu với khỉ ở mạn Bắc rồi chiều chạy xe hơn 100km về ngắm đền Uluwatu ở mạn Nam trong tình trạng kiệt sức =))
Và cũng lưu ý là ở Bali thường xuyên bị tắc đường (đặc biệt khung giờ trưa và khung 6 7 giờ tối). Kịt đi vào thời điểm chưa đông khách do covid mà ngày nào cũng uể oải vì tình trạng kẹt xe. Vậy nên di chuyển thì nhớ cẩn thận trừ hao 30p cho việc này nhé.
– Nếu bạn giống Kịt, không phải người đam mê chụp ảnh check-in, bạn có thể cân nhắc bỏ qua những nơi phải dành vài tiếng xếp hàng mới có được 5 phút chụp ảnh (VD cái cổng trời Lempuyang mà tui hay gọi đùa là “tourist trap”). Và bạn cũng nên tìm hiểu ảnh trên mạng với ảnh thực tế để tránh tới nơi thất vọng vì thật sự Bali đúng là nơi quy tụ 500 anh tài chỉnh ảnh “siêu lố” ạ. Kiểu trời mây cây cối cứ ảo tung chảo lên xong nhìn bên ngoài thì cả một bầu trời bình thường tới mức tầm thường.
Ví dụ cho chính cái cổng trời Lempuyang Kịt nhắc bên trên, thực tế là ngoài đời chẳng có cái hồ nước nào hết mà người ta dùng 1 cái gương để tạo hiệu ứng cho ảnh được ảo lòi mà thôi. Xong bạn chỉ có vài phút tạo dáng trước sự chứng kiến của một đống người đang mòn mỏi xếp hàng chờ tới lượt, và ảnh của ai thì cũng y sì giống nhau =)).
– Cuối cùng là để chuyến đi có nhiều trải nghiệm phong phú, Kịt recommend bà con lựa chọn những điểm đến khác nhau thay vì cả hành trình chỉ đi những nơi ná ná. Ví dụ chẳng ai muốn ngày nào cũng rong ruổi qua các đền cổ (Bali có 7749 cái đền cơ các bác không đi nổi hết được đâu ạ) hay đi đủ các ruộng bậc thang trong khi Bali còn vô số những điều thú vị đang cần bạn khám phá. (À nhưng đền mà đẹp như Angkor Wat hay ruộng mà đẹp như Hà Giang thì tui đi cả tuần cũng được nhé =)).
Túm váy lại là, du lịch trải nghiệm chứ không phải du lịch sống ảo, nên bà con hãy ưu tiên những nơi thật sự xứng đáng nhé. Trừ những nơi bị thương mại hóa quá đà tới mức thành “tourist trap”, Bali vẫn là nơi giao thoa giữa văn hóa, tôn giáo và thiên nhiên vô cùng ấn tượng. Chỗ thì hoang sơ kỳ vĩ, chỗ thì sôi động tiệc tùng, nhìn chung đem lại cho Kịt rất nhiều hứng thú và hảo cảm!!!
Lịch trình đi Bali 6 ngày 5 đêm (tham khảo)
Nhiều người hỏi Kịt sao đi Bali mà mất tận 6 ngày á (bằng đi Hàn Nhật rồi còn gì). Nhưng 6 ngày cũng đã đủ đâu, mới chỉ le ve được một số những điểm mà Kịt thấy hứng thú nhất ở hòn đảo siêu to siêu khổng lồ này (oh thế mà thủ phủ của Indo – đảo Jakarta còn to gấp 10 lần Bali nhé @@ ).
Lịch trình này Kịt lên dựa theo nhu cầu của nhóm (không ham hố check in, không đi nhiều biển đảo), cũng như thói quen du lịch của cả 4 bà U40 (dề dà, thong dong, có sự kết hợp uyển chuyển giữa “hành xác” và nghỉ dưỡng =))). Cũng vì dềnh dàng quá mà hầu như ngày nào cả đoàn cũng bỏ bớt 1 điểm đến so với lịch trình đầu tiên. Ngoài ra, lịch trình có một đêm đi leo núi lửa Batur để ngắm bình minh nên cũng phải điều chỉnh sao cho không bị quá mệt và gấp. Cả nhà cùng tham khảo nhé:
Ngày 1 | 10g30 sáng bay thẳng chuyến VJA Hà Nội – Bali. 16g30 có mặt ở Bali (Bali nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng). Di chuyển về villa ở Ubud check in (mất tầm hơn 1 tiếng) sau đó đi ăn tối ở một quán local gần nhà. |
Ngày 2 | Khám phá Đền Ulun Danu Beratan – Cổng trời Handara – Thác Banyumala – Ruộng bậc thang Jatiluwih. Các điểm này cách villa Ubud tầm 1 – 2 tiếng xe máy. Thực tế đã không đi kịp Ruộng bậc thang Jatiluwih (bỏ 1 điểm so với lịch trình) |
Ngày 3 | Ruộng bậc thang Tegalalang (cách villa Ubud 40p chạy xe). Quay lại khu trung tâm Ubud đi bộ lêu hêu các điểm Campuhan Ridge Walk, Ubud Art Market, Saraswati Temple và Ubud Palace. Chiều ghé siêu thị mua đồ ăn về tự nấu. Thực tế chợ Ubud Art Market đang bị đóng cửa trùng tu còn Campuhan Ridge Walk không kịp đi (lại bỏ 1 điểm so với lịch trình). Ngày thứ 2 lịch trình khá thong thả để giữ sức đi leo núi lửa. |
Ngày 4 | Đêm 2g30 xe tour đến villa ở Ubud đưa 4 cháu bé tới chân núi lửa Batur. Bắt đầu trekking núi lửa để kịp 6g15 đón mặt trời mọc trên đỉnh. Ăn sáng nghỉ ngơi trên đỉnh rồi trekking xuống núi. Xe tour đón 4 cháu bé về lại villa lúc 10g. Tắm rửa ăn trưa để 12g trả phòng check out. Di chuyển về resort ở Balangan, Jimbaran (một điểm gần cuối đảo nhưng gần sân bay hơn so với Ubud). Nghỉ ngơi tại resort, chiều tối ra biển đi dạo ăn hải sản. |
Ngày 5 | Thăm đền Tanah Lot (cách resort 1 tiếng rưỡi di chuyển) và đền Uluwatu (cách resort 30p chạy xe ô tô). Hai đền nằm ngược hướng + tắc đường kinh khủng nên thực tế chỉ kịp đi đền Tanah Lot (giữ vững phong độ lại bỏ 1 điểm so với lịch trình =)))) |
Ngày 6 | Sáng lêu hêu nghỉ dưỡng ở resort. 2g chiều check out rồi ra sân bay, đáp chuyến VJA Bali-Hanoi lúc 17g30. Kết thúc chuyến đi tạm cho là tốt đẹp =)) |
Tổng kết lại, với lịch trình trên bạn sẽ đi được mỗi thứ một tí ở Bali: Đền có, thác có, cổng trời có, ruộng bậc thang có, leo núi lửa có, biển có. Vừa nghỉ dưỡng ở resort vừa hành xác trekking xuyên đêm, nhìn chung là đủ thú vị và trọn vẹn với thành phần lầy lội như Kịt. Lưu ý ngày 5 và ngày 6 bạn hoàn toàn có thể đi thêm được nhiều điểm thăm quan khác nhé, chẳng qua tui đã lựa chọn không đi mà dành nhiều thời gian nghỉ dưỡng ở resort thôi =)))
Tổng chi phí cả chuyến đi Bali (tham khảo)
So với Việt Nam, Bali có giá xăng dầu tương đối thấp, kéo theo các vật giá khác cũng tương đối rẻ. Di chuyển bằng Grab hay Gojek không quá tốn kém, tự thuê xe máy còn rẻ kinh khủng hơn. Vì vậy mà dù đảo rất rộng, các điểm đến nằm xa nhau nhưng bạn cũng không mất nhiều chi phí cho việc đi lại.
Chuyến đi 6 ngày của Kịt hết tầm 15tr, bao gồm cả tiền tour đi trekking núi lửa Batur, tiền ở nguyên 1 con villa to đẹp trong resort và ăn uống cực kỳ xông xênh (bọn em cứ nhà hàng ngon đẹp mà triển). Sơ bộ chi phí như dưới đây:
Hạng mục | Chi phí (VND)/người |
Vé máy bay khứ hồi VJA bay thẳng chặng Hà Nội – Bali (bay hết tầm 5 tiếng) + 1 hành lý ký gửi 15kg | 6tr |
Tour trekking núi lửa Batur đặt qua Klook, đón trả tại villa. Xuất phát lúc 2g-2g30 sáng tùy vị trí hotel, kết thúc lúc 10g-12g trưa. Đặt tour riêng nên đắt hơn đi chung đoàn khác. | 1tr2 |
Villa ở Ubud từ 01-04/09 (tổng 3 đêm) | 1tr7 |
Villa ở resort Balangan, Jimbaran từ 04-06/09 (tổng 2 đêm) (Cái villa này có nguyên 2 cái nhà và 1 bể bơi, siêu siêu đẹp luôn) | 2tr3 |
Tiền sim mua qua Klook (mua xong phải đăng ký Sim theo hướng dẫn của email gửi về) | 150k |
Chi phí tiêu tại Bali: Tiền ăn; Tiền thuê xe máy; Tiền di chuyển bằng Grab/Gojex; Vé vào cổng thăm quan các đền đài;…. | ~ 4tr |
Tổng chi phí: 15tr VND (trong đó vé máy bay chiếm gần 1/2 đủ để thấy vật giá Bali hợp lý như thế nào). Các bạn trẻ muốn đi tiết kiệm hơn thì dư sức nhé, vì Bali có vô số lựa chọn ngon bổ rẻ cho khách du lịch.
Những chuẩn bị khác cho chuyến đi Bali
– Bali chia rõ 2 mùa là mùa khô (tháng 4 đến tháng 9) và mùa mưa (tháng 10 đến tháng 3). Kịt đi vào đầu tháng 9 có thể xem là những tháng cuối cùng của mùa khô nên thi thoảng sẽ có những cơn mưa giao mùa. Tuy nhiên rất may trời hay mưa vào buổi đêm hoặc mưa đúng hôm mình đi leo núi lửa, về tới nhà cũng tạnh ráo hết rồi. Hôm pack hành lý còn cẩn thận mang theo 4 cái áo mưa giấy mà ơn Đảng ơn nhà nước cả chuyến đi không phải dùng đến =))).
Nhìn chung mưa xong trời vẫn nắng đẹp, mát mẻ dễ chịu thích hợp để rong ruổi từ sáng đến tối. Chú thích thêm trời mát vậy thôi chứ nắng Bali kinh khủng đen da lắm nên bà con nhớ bôi kem chống nắng liên tục nhé.
– Hiện tại bạn chỉ cần tiêm đủ mũi vaccine covid là có thể nhập cảnh Indo. Down trước app PeduliLindungi – một app dạng khai báo y tế giống PC Covid của mình (nhân viên VJA yêu cầu bạn phải có app, nhập thông tin mới cho làm thủ tục check-in). Tuy nhiên khi sang đến Bali, do sân bay wifi tệ quá nên nhóm mình không khai báo online qua app này được mà chuyển hết sang khai bằng bản giấy. Trước đó thì show PC Covid của Việt Nam để thể hiện tiêm đủ mũi vaccine là nhân viên Indo cũng cho qua rồi.
Bali là sự kết hợp của những góc rêu phong cổ kính và những góc decor hiện đại xinh xắn
Uống nước ở đâu cũng chill, ở quán cafe ngay khu trung tâm hay ngồi giữa ruộng bậc thang cũng phê lòiiii!!!
– Ổ cắm điện: Nên mang ổ cắm đa năng đề phòng bạn không dùng được ổ trong 2 chấu lõm vào trong tại Bali. Như đoàn của mình hai cháu bé dùng iPhone thì xài được, 2 cháu bé Android Huawei thì móm. Các thể loại sạc máy ảnh, máy làm tóc mình cũng phải dùng đến ổ cắm nối đa năng.
– Đồ ăn: Đồ Tây ở Bali rất ngon, đặc biệt sườn hay beefsteak lúc nào cũng đuề huề “xôi thịt” mà giá rổ khá hợp lý. Đồ ăn local Indo tui thấy ăn cũng không tệ (mấy quán Kịt chọn đều tẩm ướp rất vừa miệng). Đặc biệt tới Bali bạn hãy thử smoothie ( giống với món sinh tố tại Việt Nam nhưng có kết cấu đặc hơn và chỉ sử dụng mỗi trái cây), một trong những đặc sản mang đậm nét đẹp nhiệt đới của hòn đảo này.
– Đi lại: Bali giống Thái Lan, lái xe phía bên trái. Đường phố cũng như Việt Nam đầy đủ ô tô xe máy giao thông lẫn lộn (ý thức đi lại của người dân Indo có vẻ vẫn tốt hơn dân Việt ta =))).
Thuê xe máy ở Bali rất rẻ, đổ xăng cũng rẻ luôn. Do đó rất recommend bà con nên có những ngày tự vi vu trên con xe hai bánh để trải nghiệm những đoạn đèo phê như con tê tê hay những cánh rừng tràn ngập sắc màu nhiệt đới ở hòn đảo này nhé. Nếu lười lái xe thì bạn có thể gọi Grab hay Gojex, giá rẻ hơn so với xe công nghệ ở Việt Nam. Nhóm mình đi 4 người đúng là con số trên cả hoàn hảo, vừa đủ thuê 2 xe máy mà cũng vừa đủ ngồi thoải mái một chiếc xe hơi :))
– Tiền tệ chính thức ở Bali là đồng rupiah (IRD) của Indo. Tỷ giá sơ bộ 1000 IRD= 1700 VNĐ có thể dao động tùy thời điểm. Bạn có thể đổi tiền trước ở Việt Nam hoặc sang Bali đổi. Như Kịt mang theo USD rồi đổi tại sân bay Bali, tỷ giá không được tốt như bên ngoài nhưng chênh lệch không đáng kể do mình cũng chủ trương đổi ít tiền. Ở Bali tiêu pha cũng chẳng tốn kém, các nhà hàng siêu thị còn chấp nhận thẻ tín dụng nên lời khuyên mọi người không nên đổi quá nhiều tiền mặt.
– Tại một số đền đài ở Bali, du khách sẽ bị yêu cầu che phần vai trần hoặc mặc trang phục dưới gối. Tuy nhiên mấy đền mình đi đợt này đều không thấy có yêu cầu nghiêm ngặt về trang phục. Để an toàn, bạn nên mang theo một chiếc áo khoác mỏng hoặc khăn quàng để che vai/quấn quanh chân nếu có bị nhắc nhở.
– Vì diện tích đảo khá lớn nên bạn cần tìm hiểu kỹ mình sẽ ở khu vực nào tại Bali. Vị trí nhà ở sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lịch trình và những cung đường du lịch sau này của bạn. Cụ thể (các khu được xếp theo hướng từ trên xuống dưới dựa vào bản đồ của Bali):
Ubud: Nằm chính giữa đảo, Ubud là khu trung tâm văn hóa của Bali với những đền đài, ruộng bậc thang, đường phố chính. Từ Ubud, chỉ mất 1-2 tiếng chạy xe máy là lên được mạn Bắc đảo, nơi có những điểm đến thiên về rừng cây, thác nước đúng chuẩn vẻ đẹp nhiệt đời. 3 đêm đầu Kịt đã chọn ở khu Ubud này. |
Canggu: Một khu sầm uất khác được rất nhiều du khách đặc biệt các bạn Tây lựa chọn. Canggu nằm sát bờ biển nên nhiều bar, nhà hàng, khách sạn được thiết kế cực đẹp. Biển ở đây thích hợp để lướt sóng. Ngày gần cuối Kịt cũng ghé qua khu này để ăn tối, dọc đường đi cũng thấy phố xá tưng bừng hiện đại chứ không cổ kính kiểu Ubud. |
Kuta: Một khu sát bờ biển khác, cũng bar pub chợ đêm ầm ĩ nhưng level có vẻ xô bồ hơn so với Canggu. Biển ở đây cũng đa số thích hợp lướt sóng thay vì tắm biển. Kuta gần sân bay quốc tế Bali. |
Nusa Dua: Cũng sát biển, nhưng level “chảnh chó” hơn so với Canggu với các resort cao cấp. Xì tai beach lounge thanh cảnh hưởng thụ thay vì bar pub xập xình. Bãi biển ở đây đẹp, trong xanh thích hợp cho ai mê tắm biển. |
Jimbaran: Cũng sát biển luôn, hơi giống kiểu Nusa Dua nhưng biển không hợp để tắm mà chỉ cho dân thích lướt sóng. Cũng nhiều villa đẹp, thanh bình, yên tĩnh. Hai đêm cuối Kịt đã chọn ở Jimbaran với mục đích an dưỡng nghỉ ngơi sau buổi trekking núi lửa xuyên đêm =)). Ngoài ra Jimbaran cũng gần sân bay nên thích hợp cho Kịt ở trong những ngày cuối. |
Uluwatu: Sát cuối đảo với những resort nằm trên vách đá cao và bể bơi vô cực hoành tráng. Resort ở đây toàn hạng sang đắt đỏ tốn kém kiểu Six Sense. Nhìn chung thích hợp cho ai du lịch nghỉ dưỡng trốn đời vì ra đây rồi chả bác nào muốn bò lên Ubud xa đến 60km đâu. |
Trên đây là một số thông tin cần lưu ý. Còn bây giờ mời bà con cùng đến với bài review chi tiết về chuyến đi 6 ngày 5 đêm của Kịt tại Bali hồi đầu tháng 09/2022 này nhé!!!
Review chi tiết chuyến đi Bali 6 ngày 5 đêm
->>> Đọc bài review chi tiết chuyến đi Bali của Kịt tại Kỳ tiếp theo